Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu:

Lợi bất cập hại?

Cập nhật: 20-05-2017 | 08:34:51

Chính phủ đã trình và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự án luật này là sẽ điều chỉnh tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu.

Dù còn nhiều bước nữa trước khi đề xuất này được luật hóa, nhưng trước đề xuất của Bộ Tài chính về tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu từ 1.000 - 4.000 đồng/ lít hiện nay lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, thì các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là “lợi bất cập hại” (?), vì sẽ đẩy giá cả hàng hóa, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và giảm thu nhập của người dân.

Giá xăng, dầu hiện nay của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN và đây là một trong các lý do khiến phải đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Đại diện Bộ Tài chính đã giải đáp như vậy trước băn khoăn của dư luận về việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính nêu quan điểm tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để bù đắp giảm thu từ thuế nhập khẩu. Song, đề xuất tăng thuế này chưa nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội.

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu bị phản đối mạnh là do cách tính toán chưa thực sự công bằng. Cơ quan chức năng chỉ tính toán và đề nghị mà chưa đề cập cụ thể đến tác động đối với xã hội, người tiêu dùng và DN.

Mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu - mặt hàng được coi là “nhạy cảm” này - sẽ tùy tình hình cụ thể và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại trong thời gian tới có thể mang lại lợi thế cho các DN Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho DN ở các nước khác. Việc lý giải rằng tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để bù lại, thì vô hình trung, chính sách này khiến cho các DN Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của DN đang có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, đặc biệt các ngành khó khăn hơn cả là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản…

Như vậy việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu cần phải thực hiện theo lộ trình rõ ràng. Việc tăng thuế không có lợi cho DN và người dân, mà cần hạn chế tăng thuế đầu vào, hỗ trợ DN phát triển sẽ giúp tạo nguồn thu bền vững hơn…

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên