Lời tri ân tháng 7

Cập nhật: 27-07-2016 | 07:25:06

  “Dù ai đi Đông về Tây/27 tháng 7 nhớ ngày thương binh/Dù ai lên thác xuống ghềnh/27 tháng 7 thương binh nhớ ngày”. Những lời ca dao ấy dường như đã đi vào thẳm sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam, để mỗi khi tháng 7 về lại nhắc nhở những người con dân đất Việt phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, có những hành động thiết thực để tri ân những anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng đã không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Tháng 6-1947, tại Thái Nguyên, một hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các hội, đoàn thể chính trị ở Trung ương quyết định chọn ngày 27-7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Từ đó, cứ vào dịp 27-7 hàng năm, mọi người dân Việt Nam ai cũng rất xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc xương máu của mình, làm nên những chiến công chói lọi, tô thắm hơn những trang sử vẻ vang của dân tộc. Vì Tổ quốc, vì hòa bình, hạnh phúc, ấm no của nhân dân, lớp lớp những người con ưu tú của đất nước đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình, gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường để lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do, bảo vệ thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Có biết bao người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường vì lý tưởng cao đẹp và nhân văn…

Chính vì thế, không chỉ cứ vào dịp 27-7, các hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cả nước nhiều năm qua thực hiện thường xuyên. Điều này đã thể hiện ý nghĩa chính trị to lớn và tinh thần nhân văn rất sâu sắc. Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho hòa bình, ấm no và hạnh phúc của nhân dân hôm nay là vô giá. Sự hy sinh biển trời đó không chỉ dành cho ngày hôm qua, ngày hôm nay mà còn dành cho muôn đời sau.

Do đó, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công phải được xem là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của mỗi người, của thế hệ hôm nay và của cả thế hệ mai sau.

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết
Tags
tri ân

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên