Nói không với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái

Cập nhật: 15-11-2017 | 08:52:23

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là Tháng hành động) tỉnh Bình Dương năm 2017. Với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, Tháng hành động năm nay được phát động trên cả nước từ ngày 15-11 đến 15-12. Mục đích của Tháng hành động là thu hút sự quan tâm và tham gia của gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tuy đã giảm nhiều trong những năm gần đây nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các ban ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ (năm 2010), cho thấy 58% phụ nữ từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.

Việt Nam được các tổ chức quốc tếđánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia toàn cầu và xếp thứ 7 các quốc gia tại khu vực châu Á về khoảng cách giới. Dẫu vậy, qua xem xét cụ thể khoảng cách giới trên một số lĩnh vực xã hội về cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, chính sách chế độ cho nữ giới vẫn còn những khoảng cách chưa được thu hẹp. Trong gia đình, khoảng cách giới vẫn là rào cản phụ nữ, trẻ em gái phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần. Nguyên nhân được chỉ ra là do ảnh hưởng của văn hóa nho giáo, trọng nam hơn nữ, nên nhiều gia đình vẫn muốn “bồi đắp” cả tinh thần lẫn vật chất cho người “nối dõi tông đường”. Cùng với đó là xu hướng gia đình ít con, trong khi hệ thống nuôi dưỡng người cao tuổi chưa phát triển, các bậc cha mẹ vẫn mong muốn được ở cùng con trai khi về già, từ đó nảy sinh sự phân biệt!

Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, thu hẹp khoảng cách giới trên các lĩnh vực xã hội và trong gia đình là cần thiết để tiến tới một xã hội văn minh, tiến bộ; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Vận động toàn xã hội tích cực hành động, nói không với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái; xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái là để thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là xâm hại tình dục. Để đạt được điều đó thì việc đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới là việc phải làm và Tháng hành động thêm một lần nhắc nhở mọi người hãy chung tay thực hiện.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên