Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4): Những trang sử hào hùng

Cập nhật: 06-01-2021 | 09:23:36

Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) tiền thân là Trung đoàn 141 của Sư đoàn 312, là một trong những đơn vị đạt nhiều thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 6-1-1966, các đơn vị của Trung đoàn 141 được lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu; kể từ đó, ngày 6-1 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn 141 - Sư đoàn 7.

Đại tá Lê Lương Quyền (thứ 2 từ phải qua), Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 7 tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ Trung đoàn 141 nhiệm kỳ 2020-2025

Vang mãi chiến công

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước tạm thời chia làm hai miền; miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam nằm dưới ách thống trị của tập đoàn phản động Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Chúng ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp cách mạng miền Nam; nhất là sau khi ban hành Luật 10/59, địch cho lê máy chém khắp miền Nam đàn áp, khủng bố; miền Nam ngập chìm trong đau thương, tang tóc. Cả miền Nam đấu tranh một mất, một còn với kẻ thù. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa hướng về miền Nam ruột thịt với tất cả sức người, sức của chi viện cho đồng bào miền Nam tiêu diệt bọn xâm lược, tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sáng ngày 6-1-1966, các đơn vị của Trung đoàn 141 bắt đầu được lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu. Trên chặng đường dài hơn 2.000km từ Bắc vào Nam, sau 4 tháng hành quân, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh… cuối cùng cũng hành quân tới đích. Tuy nhiên, giữa mùa mưa trong rừng già Bù Gia Mập, Bình Phước, ngày không thấy nắng, đêm không thấy ánh trăng; chỉ thấy oi bức, mưa, mù với những cơn sốt rét, nóng dai dẳng. Đời sống bộ đội thiếu thốn đủ thứ; thực phẩm ngoài cá khô, mắm, không có thứ gì khác; thuốc men chữa bệnh, chữa sốt rét không đầy đủ; nhiều đồng chí biến chứng trở thành sốt rét ác tính dẫn đến tử vong. Gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng được sự quan tâm của cấp trên, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sĩ đưa việc ăn ở, quản lý, rèn luyện, sinh hoạt, học tập vào nề nếp; tập trung huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu, làm quen với chiến trường, thực hành đánh địch trong công sự vững chắc; đồng thời chăm lo nuôi dưỡng bộ đội, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm, niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng với các trận đánh lớn sau này.

Cuối năm 1967, địch mở cuộc hành quân “tìm diệt” trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Ngày 24-10-1967, trung đoàn đánh trận công kiên đầu tiên của lực lượng chủ lực miền Đông Nam bộ, tiêu diệt một tiểu đoàn ngụy Sài Gòn tại đồn Tân Hưng. Chiến công nối tiếp chiến công, trung đoàn cùng các đơn vị bạn đánh bại các cuộc càn “Gian Xơn Citi”, “Hòn đá vàng” của Mỹ, ngụy ở khu vực Bổ Túc - Kà Tun (Tây Ninh). Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trung đoàn đảm nhiệm đánh địch ở phía bắc TX.Thủ Dầu Một, đã lập công xuất sắc trận tập kích ở Sở Gà, Sở Hội, Đồng Chăm; đánh thiệt hại nhiều sinh lực địch.

Năm 1969, trung đoàn hoạt động ở Tây Ninh, Bình Long; năm 1970, 1971, sau khi giúp bạn đánh quân phản động Lonnon, giải phóng Xnun, Mi Nốt, trung đoàn kiên cường chiến đấu, bẻ gãy nhiều mũi tiến công của địch giáp biên giới Campuchia ở Tây Ninh.

Trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chốt chặn trên quốc lộ 13 đoạn Tàu Ô - Xóm Ruộng, Tân Khai góp phần giữ vững thế chia cắt địch ở quốc lộ 13. Sau Hiệp định Paris (27-1-1973), trung đoàn đánh tiêu diệt địch ở đồn cầu sông Nha Bích, chi khu Đồng Xoài, đánh chiếm và cắm cờ giải phóng ở dinh Tỉnh trưởng Phước Long.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, trung đoàn đã tiêu diệt chi khu Định Quán, giải phóng Bảo Lộc, khai thông đường 20, cùng đơn vị bạn tấn công phá vỡ tuyến phòng thủ Xuân Lộc và tiến thẳng vào Sài Gòn theo hướng quốc lộ 1A, cùng các lực lượng khác giải phóng Sài Gòn. Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân quản ở quận 1, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn địa bàn.

Trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, sau 3 tháng tăng cường cho Quân khu 9, hoạt động đánh địch bảo vệ biên giới An Giang, Tây Ninh; cán bộ, chiến sĩ ngày đêm quyết chiến với địch, chiến đấu dũng cảm, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Cuối năm 1978 và suốt 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng phản động Pônpôt - Iêngxari giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Đồng thời giúp bạn xây dựng các tổ chức ở từng địa phương, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới. Trong quá trình chiến đấu, công tác, ở đâu cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn cũng được nhân dân Campuchia yêu mến, tin cậy, giúp đỡ. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, rút quân về nước trung đoàn được chính quyền, đoàn thể, nhân dân Campuchia tổ chức lễ tiễn trọng thể và thắm tình đoàn kết.

Xây dựng trung đoàn vững mạnh toàn diện

Với chặng đường lịch sử 55 năm xây dựng, chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 141 đã vượt Trường Sơn; trải qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh; những cơn sốt rét rừng chết người ở rừng sâu Bù Gia Mập; đã qua tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 với Sở Gà, Sở Hội, Phú Hưng, Đông Tràm, Búng, Bình Cơ, Bình Mỹ, Chánh Lưu, An Lợi… Đã trải qua những địa danh với những chiến công nổi bật làm nên tên tuổi của trung đoàn, như: Suông, Chúp, Đầm Be, Oát-Thơ-Mây; đặc biệt 150 ngày đêm chốt chặn đường 13, Tàu Ô - Xóm Ruộng năm 1972, đến chiến dịch đường 14 Phước Long cuối năm 1974, mở thông đường 20 Định Quán- Lâm Đồng, Xuân Lộc, tiến về giải phóng Sài Gòn năm 1975; bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia... Trên suốt chặng đường đầy gian khổ, ác liệt, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã đổ mồ hôi, công sức và hy sinh, không tiếc máu xương để góp phần cho ngày toàn thắng, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Đoàn Ba Vì anh dũng”, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày nay, trong giai đoạn cách mạng mới đang ra sức xây dựng trung đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng sức mạnh tổng hợp, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương địa bàn đóng quân, hàng năm trung đoàn đảm nhiệm phúc tra nắm nguồn, tiếp nhận, quản lý huấn luyện lực lượng dự bị động viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát), trung đoàn còn làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cho các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan quân đoàn và đơn vị, giáo dục nhận thức quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, quán triệt sâu sắc nghị quyết lãnh đạo của Đảng, nghị quyết đại hội nhiệm kỳ các cấp, giáo dục truyền thống dân tộc, quân đội, truyền thống đơn vị. Tổ chức chặt chẽ phong trào thi đua quyết thắng hàng năm gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động, nhất là thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… Làm tốt công tác dân vận, chính sách; phối hợp tổ chức “Học kỳ trong quân đội”, giao lưu kết nghĩa với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đứng chân; qua đó thắt chặt mối đoàn kết quân, dân. Bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích trên, nhiều năm qua, Trung đoàn 141 được Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 tặng nhiều phần thưởng cao quý. 

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trung đoàn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; được tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 3 Huân chương Chiến công; Nhà nước Campuchia thưởng Huân chương Angko và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 4, Sư đoàn 7. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công. Nhiều cán bộ của trung đoàn qua các thời kỳ đã phát triển thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam và giữ các trọng trách của Bộ Quốc phòng.

NGUYỄN TRƯỜNG - LÊ BA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên