ADB tài trợ giai đoạn 2012-2015: Ưu tiên dành cho giáo dục, tài chính và cơ sở hạ tầng

Cập nhật: 14-01-2012 | 00:00:00

Các ưu tiên hoạt động trong chiến lược đối tác quốc gia giai đoạn 2012-2015 sẽ được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tập trung vào cải thiện quản lý khu vực công và các ngành giáo dục, tài chính, cơ sở hạ tầng. Bà Yumiko Tamura, Trưởng ban chương trình ADB tại Việt Nam cho biết tại hội nghị tham vấn với các tỉnh Nam bộ vừa diễn ra tại Bình Dương.

 Công trình thủy lợi Phước Hòa được vay vốn từ 2 nhà tài trợ là ADB và Cơ quan phát triển của Pháp Theo bà Yumiko Tamura, mục tiêu trong chiến lược những năm tới của ADB là đạt được 5 động lực thay đổi và 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi. 5 động lực thay đổi gồm phát triển và hoạt động của khu vực tư nhân, quản trị điều hành tốt và xây dựng năng lực, bình đẳng giới, các giải pháp về tri thức và các mối quan hệ đối tác. Còn 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi là cơ sở hạ tầng, môi trường, hợp tác và hội nhập khu vực, phát triển khu vực tài chính và giáo dục.

Những nội dung trong chiến lược của ADB nhằm góp phần giúp Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, giải quyết được thách thức của một nước có mức thu nhập trung bình, giải quyết tình trạng bất ổn về kinh tế vĩ mô, hướng đến tăng trưởng ổn định, bền vững và hướng tới những nhóm yếu thế... Số vốn phân bổ dự kiến hàng năm từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) dành cho Việt Nam giai đoạn 2012-2015 là 409 triệu USD. Ngoài ra, còn có thể nhận được nguồn vốn bổ sung từ nguồn hỗ trợ các dự án thuộc sáng kiến hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng và nguồn lãi suất cao (OCR) với số vốn dự kiến 943 triệu USD mỗi năm.

Theo đó, những ưu tiên hoạt động trong chiến lược của ADB sẽ tập trung vào việc cải thiện hiệu quả thực hiện và bảo đảm tác động tối đa trong sử dụng nguồn lực hạn chế. Đồng thời, hỗ trợ để cải thiện quản lý khu vực công, trong đó có cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Trọng tâm ưu tiên là các ngành giáo dục, tài chính và cơ sở hạ tầng (năng lượng, giao thông và phát triển đô thị, nông thôn). Tuy nhiên, ADB cũng có những nguyên tắc chọn lọc khá kỹ đối với các dự án được ưu tiên hỗ trợ mà theo bà Yumiko Tamura thì rất cần có một nhận thức chung từ 2 phía.

Hầu hết các địa phương tham gia hội nghị tham vấn đều muốn nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ ADB để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ai cũng muốn ADB hỗ trợ với nguồn vốn ADF, tức vốn ưu đãi, còn vốn OCR kém ưu đãi hơn thì còn khá quan ngại. Theo ông Nguyễn Văn Thiền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương thì đối với những dự án cấp thoát nước quy mô lớn như Thành phố mới Bình Dương nếu đưa nguồn vốn vay vào danh mục OCR thì rất khó khăn, bởi tính ổn định và thời gian kéo dài trong quá trình thi công. Hay như dự án về bảo vệ hệ thống môi trường lưu vực sông Đồng Nai có ý nghĩa rất lớn nhưng không có doanh thu thì rất cần vốn ưu đãi ADF. Ông Võ Thành Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng cho rằng, hiện địa phương này đang cần nguồn vốn tài trợ cho các dự án xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp và cũng muốn được vay từ vốn ADF. Các đại diện của TP.HCM, An Giang... cũng muốn ADB cần nghiên cứu thêm, đối với những thành phố lớn cần có cơ chế đặc thù để các nhà đầu tư xây dựng dự án có động lực hơn trong vay vốn.

Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam thì, vốn vay ADF hàng năm có hạn nên cần phải cân nhắc kỹ đối với các dự án và còn phân bổ cho các địa phương khác nhau. Trong khi đó, vốn vay OCR thì lớn hơn và hiện ADB cũng đang cấp loại hình này cho các dự án về cấp nước cho các quốc gia thành viên trên thế giới. Các tỉnh, thành có thể tham vấn với các bộ, ngành chủ quản về yêu cầu phát triển tại địa phương mình để xin hỗ trợ hoặc duy trì đối thoại thường xuyên với cán bộ phụ trách các dự án của ADB tại Việt Nam để có thông tin trao đổi.

K.TÂN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm: Bình Dương còn nhiều công trình quan trọng cần hỗ trợ của ADB

Các nguồn vốn vay ưu đãi ở Bình Dương được tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng như hạ tầng giao thông, môi trường, cấp thoát nước. Hiện nay, có nhiều dự án đang được triển khai xây dựng từ các nguồn vốn vay như dự án cấp nước Nam Thủ Dầu Một... Hỗ trợ của ADB đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương và mong muốn sẽ được tiếp tục tài trợ nguồn vốn để xây dựng những công trình quan trọng như dự án cấp nước phía bắc Bình Dương.

Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: ADB là một trong 3 nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam

Các nhà tài trợ đóng góp nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, ADB là một trong 3 nhà tài trợ lớn nhất từ năm 1994 đến nay. Chiến lược của ADB luôn gắn kết với chiến lược phát triển của Việt Nam và nhiều công trình đã ghi dấu ấn hiệu quả của nguồn vốn này trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, môi trường. Năm nay, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cam kết 7,4 tỷ USD cho Việt Nam, trong đó ADB vẫn giữ vị trí thứ 3. 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên