An Bình (Phú Giáo): Đất “an cư lập nghiệp” của đồng bào thiểu số

Cập nhật: 09-03-2013 | 00:00:00

Trở lại An Bình vào một ngày nắng đẹp, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ nét trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Tập quán di canh, di cư của họ giờ đây chỉ còn là ký ức xa xôi.

Cả xã có 219 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 921 khẩu gồm các dân tộc Khơ-me, Tày, Nùng, Sán Dìu, S’Tiêng... đã bắt đầu quen với hình thức thâm canh trồng trọt trên diện tích đất cố định, một số còn khá lên nhờ biết kết hợp các mô hình kinh tế trang trại nhỏ.

Thay đổi tập quán

Nhận thấy sự cần thiết trong việc tổ chức lối sống định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, các ngành chức năng địa phương đã đề xuất dự án cấp đất canh tác định canh cho các hộ dân ở xã An Bình. Dự án này được UBND tỉnh giao cho Chi cục Di dân - Định canh, định cư triển khai vào năm 2004, nhưng đến năm 2006 mới chính thức cấp suất đất đầu tiên cho những người trong diện quy hoạch. Tìm hiểu ngọn ngành, chúng tôi được biết, nguyên nhân chính không phải do sự chậm trễ của ban quản lý dự án mà là sự vận động, đấu tranh tư tưởng cam go giữa người làm công tác tuyên truyền và những người dân còn muốn “rày đây, mai đó”.

Học sinh người đồng bào thiểu số Khơ-me ở khu định canh trên đường học về

Để thay đổi tập quán là cả một chặng đường dài đầy gian khó. “Đất hoang còn nhiều, dại gì mà cày cuốc trên một mảnh cho nó mệt. Trồng một chỗ đất nó hư hết, cây không mọc lên nổi đâu”, ông Thạch Bét (46 tuổi, người Khơ-me, ấp Tân Thịnh) nhớ lại cuộc trò chuyện khi đoàn cán bộ dân vận đến nhà hồi năm 2004.

Việc ông Thạch Bét và nhiều hộ dân khác đưa tay khước từ theo suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số là bởi theo họ, “đất đai, rừng núi là của trời cho, mình không thích canh tác ở nơi này thì đi nơi khác chứ việc gì phải gò bó một chỗ như vậy”. Bên cạnh đó, “việc không biết cải tạo đất, nhiều người dân tộc thiểu số rất sợ việc trồng lâu ngày ở một chỗ sẽ khiến đất xấu, bạc màu sẽ làm cho lúa, đậu, khoai mì kém năng suất dẫn đến thiếu cái để ăn”, ông Võ Trung Đạo, cán bộ phụ trách tôn giáo, dân tộc xã An Bình lý giải.

Cả một thời gian dài sau đó, dự án phải ngưng trệ vì phần lớn những hộ dân được vận động đều khước từ lời mời gọi với lý do “trồng lâu sợ đất xấu sẽ không đủ ăn”, cho đến khi hộ gia đình nhà bà Kim Thị Dàng (46 tuổi, người Khơ-me, ấp Tân Thịnh) nhận lời “thử thách mô hình mới”.

Thời điểm năm 2006, quyết định nhận đất, cây - con giống từ dự án định canh của bà Dàng được nhiều người đồng bào Khơ-me ở ấp Tân Thịnh xem là khá “mạo hiểm” và thường xuyên can ngăn. “Đi nhiều cũng mỏi chân nên tui bàn với ông xã thử làm theo chính sách Nhà nước xem sao”, bà Dàng nói. Sau 3 năm tham gia dự án, với sự hỗ trợ tối đa về cây - con giống và khoa học kỹ thuật, gia đình nhà bà Dàng bước đầu có thu nhập, kinh tế ngày một ổn định, khá giả hơn. “Mấy người họ hàng thấy vậy sang nhà hỏi, tui chỉ họ lên xã đăng ký xin tham gia dự án” - bà Dàng nói tiếp. Tiếng lành đồn xa, hàng chục, rồi hàng trăm hộ gia đình dân tộc thiểu số kéo nhau lên UBND xã An Bình xin được cấp đất làm ăn. Dần dà, ai cũng có của ăn, của để.

“Nhà mình đã có tiền thừa!”

Sau 8 năm thực hiện dự án định canh, những suy nghĩ về việc làm kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã An Bình đã thay đổi rõ rệt. Nếu ngày xưa nằn nì mãi không chịu tham gia, thì bây giờ, “sẽ không đi đâu nữa” bởi những lợi ích từ việc định canh định cư đã thể hiện trong từng bữa cơm của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày trước, sau một năm oằn mình đi phát rẫy, gieo lúa, trồng đậu, trừ hết chi phí, gia đình ông Thạch Bét chỉ lãi chưa đầy 5 triệu đồng, điều đáng nói là khoản tiền này thường xuyên trong tình trạng cạn khô vì phải lo tiền thuốc men cho người vợ đau ốm. Tuy nhiên, từ khi được cấp đất và cây giống điều ghép cao sản ở khu định canh, tình hình kinh tế của nhà ông Bét đã có bước chuyển biến rõ rệt. Ông Bét cho biết: “Mùa năm ngoái, thu được hơn 3 tấn hạt điều tươi (mỗi tấn hạt điều tươi giá khoảng 20 - 22 triệu đồng), sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm vợ chồng mình còn dư hơn 50 triệu đồng”.

Trong số những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong danh sách hộ được cấp đất, nụ cười rạng ngời nhất mà chúng tôi bắt gặp có lẽ là của vợ chồng ông Thạch Bét. Từ chỗ lăn lộn kiếm từng bữa cơm, gia đình ông Bét đã có “của ăn của để”. Trò chuyện với chúng tôi giữa rẫy điều đang ra hoa, ông Bét khoe: “Hai vợ chồng vừa thuê thợ đục nền xi măng ra để gắn gạch men vào, khi nào chú rảnh ghé nhà chơi, đẹp lắm!”.

Được cả xóm định canh đánh giá là khá nhất, ngoài việc trồng cây công nghiệp trên diện tích được cấp, gia đình bà Dàng còn mua bò, heo rừng lai nuôi bán. Bên cạnh trồng, thu hoạch cao su, điều, việc làm này cũng giúp gia đình bà Dàng kiếm thêm một khoản thu nhập không nhỏ. Sự khá giả của gia đình bà Dàng được người con trai út tóm gọn: “Hồi trước toàn ăn cơm trộn khoai mì với canh rau rừng thôi, giờ muốn ăn gà, vịt lúc nào cũng được!”.

Dự án định canh cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã An Bình đã triển khai được 9 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý đã cấp cho 111 hộ gia đình với tổng diện tích khoảng 116,2 ha (trong số 200 ha của dự án). Ngoài việc cấp đất, Ban quản lý dự án còn cung cấp đầy đủ cây giống và hướng dẫn các phương pháp khoa học kỹ thuật. Ông Võ Trung Đạo, cán bộ phụ trách tôn giáo, dân tộc cho biết, UBND đang làm hồ sơ gửi Ban quản lý dự án xin cấp thêm đất canh tác cho những hộ dân chưa có đất.

                                                                                                                                    ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=266
Quay lên trên