Áp lực di dân + nhu cầu = thành phố thông minh

Cập nhật: 24-11-2017 | 08:57:02

Cùng với làn sóng di dân ngày càng mạnh mẽ từ nông thôn đến thành thị và những bức xúc của dân cư thành phố về các nhu cầu thiết yếu liên quan đến đời sống, việc xây dựng thành phố thông minh (TPTM) là tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Đẩy mạnh xây dựng thành phố trên nền tảng công nghệ số là để chăm lo tốt hơn nhu cầu mọi mặt về đời sống của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày cành nhanh và mạnh của các đô thị. Đây cũng là bước đi đã được lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định sẽ thực hiện trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

 Thế giới đang chứng kiến hai hiện tượng quan trọng trong lịch sử nhân loại là sự hội tụ làm gia tăng dân số đô thị và cuộc cách mạng kỹ thuật số. Theo nghiên cứu của Liên hiệp quốc, hiện 54,6% dân số thế giới (khoảng 3,6 tỷ người) đang sinh sống ở các thành phố. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất vào năm 2017, tỷ lệ dân cư thành phố chiếm 34,7% (khoảng 33.243.000 người); tốc độ gia tăng tỷ lệ dân cư thành phố trung bình là 3,4%/năm và đang tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây. Sự tập trung dân số nén trong một không gian nhỏ hẹp với tốc độ gia tăng nhanh đã mang lại cho các thành phố một số thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân về môi trường, giao thông, nhà ở, năng lượng, an ninh, y tế, giáo dục, giải trí...

Từ những thách thức mang tính thiết yếu nói trên của cư dân thành phố, việc xây dựng kế hoạch, quản lý và điều hành, bảo đảm để thành phố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường sẽ là những thách thức mà hầu như tất cả các thành phố đều phải đối mặt. Để quản lý và cải thiện chất lượng các thành phố đòi hỏi nhà quản lý phải biết những gì đang xảy ra ngay trong lòng thành phố đó. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc thay đổi phương thức điều hành của chính quyền, sự tham gia của người dân và các bên liên quan chịu trách nhiệm quản lý thành phố. Vì vậy, chuyển đổi thành phố truyền thống trở thành TPTM là nhu cầu tất yếu để giải quyết những thách thức nói trên. Với sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của công nghệ số, internet và công nghệ di động, sự chuyển đổi này đang trở nên khả thi hơn.

“TPTM là nơi mà công nghệ trở nên sống động” là khái niệm đơn giản nhất để hiểu thuật ngữ TPTM theo quan điểm của ông Peter Sany, Giám đốc điều hành TM Forum (Hiệp hội thành viên toàn cầu về kinh doanh kỹ thuật số). Theo ông Peter Sany, trong TPTM, công nghệ kết nối công dân, doanh nghiệp với chính quyền và với nhau, do đó sẽ loại bỏ sự phân tán thông tin và giảm thiểu các tác động tiêu cực thông qua phân bổ nguồn lực thông minh. Một TPTM và bền vững là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị cũng như khả năng cạnh tranh, đồng thời bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường.

Hội nghị TPTM Bình Dương 2017 sắp diễn ra sẽ hướng tới việc kết nối các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, con người và xã hội nhằm mục đích xây dựng thành phố trở nên thông minh hơn, có khả năng thúc đẩy sự phát triển bền vững.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=466
Quay lên trên