Bệnh tay chân miệng vào mùa

Cập nhật: 06-09-2017 | 16:18:39

Cùng với bệnh sốt xuất huyết (SXH), bệnh tay chân miệng (TCM) cũng là mối lo ngại với người dân vì hiện nay đang là mùa cao điểm bệnh TCM, do đó để chủ động phòng chống bệnh TCM, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh!

Phụ huynh không nên chủ quan

TCM là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi ( rất ít thấy ở trẻ trên 5 tuổi). Bệnh rất nguy hiểm nếu không biết cách phát hiện sớm, phòng tránh và điều trị kịp thời. Đến thời điểm này, các bác sĩ nhận định, dù bệnh TCM chưa có đột biến so với những năm trước, nhưng dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là khi học sinh vào mùa tựu trường. Thông thường, hàng năm có 2 thời điểm bệnh TCM bùng phát, đó là từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Đây là những tháng trẻ đi học nên sự lây lan sẽ nhiều hơn, do đó số lượng trẻ mắc bệnh cũng nhiều hơn. Đang được theo dõi điều trị bệnh CTM, bé Lê Thị Huyền Tr. (TX.Thuận An) được chẩn đoán mắc TCM ở thể nặng. Theo lời kể của chị Nguyễn Lê Ngọc Hà, mẹ bé Huyền Trang, gần 10 ngày trước, bé có triệu chứng sốt, nổi ban trong miệng. Tuy nhiên 3 ngày sau, bé bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, tay chân nhức, nổi mụn ở miệng nhiều, không ăn được, chỉ uống sữa, chị mới đưa con đến bệnh viện để điều trị. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé Huyền Tr.bị TCM ở thể nặng, phải điều trị cấp cứu.

Bố mẹ nên lưu ý các dấu hiệu bệnh ở trẻ để cho trẻ nhập viện kịp thời. Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ bị bệnh TCM tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa dịch TCM, nhưng các bác sĩ cảnh báo đã có nhiều trường hợp bệnh nặng đến mức phải thở máy. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan.

Chưa có thuốc đặc trị, cần chủ động đề phòng

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, cho đến nay, bệnh TCM chưa có vắc xin dự phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thế nên, mặc dù hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ và tự hết, nhưng một số trường hợp bệnh ở thể nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... Nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Các bé bị biến chứng não thường có dấu hiệu như khó ngủ, quấy khóc liên tục, hoảng hốt, nói nhảm, run tay và co giật. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt lưu ý về việc đã xuất hiện những quan niệm sai lầm khi điều trị, chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM, như tự ý bôi thuốc không đúng, không vệ sinh tắm rửa cho trẻ thường xuyên vì sợ nhiễm nước, nhiễm gió… Trong khi, với trẻ mắc TCM thì cần vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bình thường để tránh nhiễm trùng. Nếu các nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng thuốc để bôi miệng cho trẻ.

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2 - 5 và từ tháng 9 - 12. Dấu hiệu chính của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, da... chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và mông.

Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh TCM. Bác sĩ Nguyệt khuyên cha mẹ nên lưu ý những điều sau đây để tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau mỗi lần vệ sinh cho trẻ; Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%; Hạn chế tình trạng ngậm tay ở trẻ nhỏ và dứt khoát ngăn tật này ở trẻ lớn. Không cho trẻ nhỏ ngậm vú giả. Luôn cắt móng tay và móng chân cho trẻ sạch sẽ, kể cả người lớn…

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên