Bình Dương - điểm sáng về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế

Cập nhật: 30-12-2013 | 00:00:00

 Bài 1: Từ chủ trương, chính sách đúng đắn

 Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, cơ sở xếp hạng năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương dựa trên 8 trụ cột chính tạo ra năng lực hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm thương mại, đầu tư, du lịch, con người, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm địa phương và thể chế. Các quan điểm của nhóm tác giả dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các mô hình trên thế giới về hội nhập kinh tế nhằm đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại; các tác động của hội nhập đến tăng trưởng phúc lợi cho người dân và phát triển kinh doanh, DN để chỉ ra các điều chỉnh cần thiết cho việc thu hút nguồn lực phát triển bền vững.

Dựa trên tính chất của từng đối tượng, 8 trụ cột trên cũng được chia ra làm 2 nhóm chính: Nhóm các yếu tố tĩnh gồm đặc điểm địa phương, bản sắc văn hóa, cơ sở hạ tầng, thể chế; nhóm động là các yếu tố có tính tăng giảm như thương mại (hàng hóa, dịch vụ); đầu tư (tiền, vốn và công nghệ); con người (lao động, di cư); du lịch...   Bình Dương đã tập trung đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng công nghiệp. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp VSIP II Ảnh: Q.CHIẾN

Phát huy yếu tố đắc địa

Trong nhóm các yếu tố tĩnh để đánh giá chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế như đặc điểm địa phương, bản sắc văn hóa, cơ sở hạ tầng, thể chế, đã được Đảng bộ và chính quyền nhận thức đầy đủ, từ đó đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp để phát huy lợi thế, đẩy nhanh quá trình phát triển và hội nhập kinh tế thời gian qua, đặc biệt là khi Bình Dương được tái lập vào năm 1997. Như đã biết, Bình Dương thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động nhất của cả nước.

Với địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa, từ tháng 5 - 11, mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm 1.800mm- 2.000mm; nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,5oC… đã tạo cho Bình Dương một điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Bình Dương là cửa ngõ giao thương với TP.Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước; có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á…; cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 - 15km nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Với lợi thế từ đặc điểm địa phương, ngay từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Bằng chính sách “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo ra mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh với phương châm “coi khó khăn của DN cũng là khó khăn của chính quyền, thành công của DN cũng là thành công của địa phương”. Sau 17 năm, Bình Dương từ một tỉnh thuần nông, nay đã khoác trên mình một chiếc áo công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa đa sắc màu.

Đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng

Đây cũng là một trong những yếu tố trụ cột trong quá trình đánh giá chỉ số khả năng hội nhập kinh tế của địa phương. Từ điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tỉnh đề ra chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp. Nhưng để công nghiệp Bình Dương phát triển với những thành quả rực rỡ, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội như ngày hôm nay thì việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại đóng vai trò quyết định. Để thực hiện mục tiêu CNH, Bình Dương nhiều năm qua đã có chính sách đầu tư mạnh mẽ và toàn diện vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cùng với con đường “sứ mệnh” quốc lộ 13, các khu công nghiệp (KCN) cứ tiếp theo nhau hình thành. Đến nay, toàn tỉnh đã có 28 KCN với tổng diện tích khoảng 10.000 ha, trong đó phần lớn đã thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích với hàng chục ngàn nhà máy, xí nghiệp được lập nên, sản xuất, cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước một lượng hàng hóa lớn. Cùng với đó, các lĩnh vực hạ tầng điện năng, viễn thông, cấp thoát nước, hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch cũng được đầu tư, phát triển đồng bộ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng diễn ra sâu rộng, Bình Dương đã và đang chủ động đầu tư mạnh mẽ hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ - đô thị Bình Dương với 4.190 ha đã hoàn thiện với các KCN, đô thị hiện đại mà trong đó thành phố mới Bình Dương sẽ là một điểm nhấn để tạo sức bật về đô thị, đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Và để kết nối với những quy hoạch trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương cũng đã thực hiện các quy hoạch hạ tầng quan trọng như đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn, một tuyến đường “sứ mệnh” thứ 2 sau quốc lộ 13, sẵn sàng kết nối các KCN, khu đô thị của Bình Dương với cảng biển, sân bay quốc tế mới.

Có thể nói, xuất phát từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân, Bình Dương đã phát huy lợi thế từ đặc điểm địa phương, bản sắc văn hóa, thể chế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ (yếu tố tĩnh), thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập, phát triển kinh tế. Sự kiện Bình Dương là địa phương đứng thứ 3 cả nước về chỉ số năng lực hội nhập năm 2013 cũng là kết quả kế thừa của cả một quá trình kiên định với triết lý phát triển riêng; đồng thời giúp tiếp tục xác định rõ tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại, đề ra những chủ trương, chính sách thu hút nguồn lực cho phát triển bền vững, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với các điều kiện hội nhập đặc thù của địa phương. (Còn tiếp)

 ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên