Bưu điện văn hóa, đài truyền thanh xã, phường: Cần hướng đi mới

Cập nhật: 10-10-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Đìu hiu bưu điện văn hóa xã

 Hiện nay, toàn tỉnh có 49 điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xã. Trước đây, các điểm BĐVH xã là điểm đến lý tưởng của mọi người dân trong việc tiếp cận thông tin qua sách, báo, qua dịch vụ bưu chính - viễn thông. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển như “vũ bão”, người người, nhà nhà đều có điện thoại, tivi, thậm chí máy vi tính kết nối mạng internet... nên 14 điểm BĐVH xã trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh vắng lặng, chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động. 

BĐVH xã Tân Long (Phú Giáo) ở vị trí đẹp vẫn vắng khách

 Đỏ mắt chờ khách hàng

Những năm đầu được thành lập, những điểm BĐVH trên địa bàn tỉnh hoạt động rất hiệu quả đã góp phần tích cực đưa các dịch vụ bưu chính - viễn thông, sách, báo đến với người dân. Nhưng mấy năm trở lại đây, qua đợt khảo sát của Ban Văn hóa -Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh tại một số điểm BĐVH thì thấy hầu hết các trang thiết bị vẫn được trang bị đầy đủ như: Cabin điện thoại, tủ sách, bàn ghế cho người dân đến đọc báo, các dịch vụ bưu chính - viễn thông, điểm truy cập internet... Thế nhưng, do sự phát triển của công nghệ thông tin và các dịch vụ viễn thông ngày càng đa dạng, tiện lợi nên hoạt động của ngành bưu điện đang gặp phải không ít khó khăn. Một số đầu báo vẫn được cấp miễn phí nhưng thực tế lượng người đến với điểm BĐVH thì ngày một ít đi. Thậm chí nhiều điểm BĐVH gần như không có người ghé qua và rất ít khi mở cửa, còn sách báo thì lâu không có người đọc, các lớp bụi phủ kín.  

Nhân viên BĐVH nhiệt tình, nhưng vẫn trong tình trạng “đỏ mắt chờ khách hàng”

Chị Bùi Thị Thu Thủy, cán bộ Bưu điện xã Tân Long (Phú Giáo) cho biết: Tôi về đây công tác đã lâu, trước đây nhiều nhà chưa có điện thoại riêng, điện thoại di động, muốn gọi điện phải đến bưu điện mới có điện thoại. Lúc đó điểm BĐVH xã lúc nào cũng tấp nập người đến gọi điện, gửi thư, chuyển tiền. Có nhiều hôm, người đến gọi phải chờ hàng giờ mới đến lượt mình gọi. Nhưng hiện nay, BĐVH xã rất ít người đến, chỉ thi thoảng mới có người đến chuyển phát nhanh. Chỉ tay về phía bàn đọc sách, chị Thủy nuối tiếc: “Khi mới bắt đầu đi vào hoạt động, tôi còn phải mang quạt điện ra phục vụ khách khi họ đến đọc sách, nhưng mấy tháng nay không thấy có người đến đọc sách, báo”.

Do quá vắng người đến nên nhiều điểm BĐVH xã đã có dấu hiệu hoạt động “cầm chừng”, không có kinh phí tu sửa nên bị xuống cấp trầm trọng, thậm chí đã đóng cửa như BĐVH các xã Cây Trường, Phú An, Tân Hưng, Trừ Văn Thố của huyện Bến Cát. Đối với huyện Phú Giáo, trước đây có 9 BĐVH nhưng hiện nay còn hoạt động 4 (An Thái, An Long, Tân Long, Tân Hiệp). Trước thực trạng trên, nhiều cán bộ bưu điện ngậm ngùi: Đã là cán bộ bưu điện, cho dù có hay không có khách chúng tôi vẫn phải mở cửa. Có nhiều ngày sáng mở cửa, chiều đóng cửa nhưng không có ai vào sử dụng bất cứ một loại hình dịch vụ nào. Nhiều hôm đến mở cửa ngồi đọc báo, hết giờ làm việc lại đóng cửa ra về, cũng buồn!

Được biết, nhiều điểm BĐVH xã các huyện phía bắc của tỉnh, mỗi tháng doanh thu chỉ được gần 200.000 đồng, với số tiền thu nhập hàng tháng như vậy, liệu các BĐVH có thể “sống” và duy trì hoạt động (!?)

Đi tìm nguyên nhân

Vì sao các điểm BĐVH xã ngày càng vắng vẻ? Đó là câu hỏi không khó tìm câu trả lời. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thành viên Ban VH-XH HĐND tỉnh, những năm gần đây, có nhiều dịch vụ viễn thông phát triển mạnh đã đáp ứng kịp thời các kênh thông tin cho người dân. Ngay tại khu vực nông thôn, hầu hết các gia đình đều có điện thoại cố định, điện thoại di động. Một số gia đình còn lắp cả internet. Còn đối với các BĐVH xã, do không bắt kịp với sự phát triển không ngừng của xã hội cũng như những kênh thông tin tiện dụng khác nên không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hầu hết các điểm bưu điện ít phát triển và bổ sung sách báo, tạp chí mới mà chỉ vỏn vẹn các sách cũ nên người dân không mặn mà. Mặt khác, tại các điểm BĐVH xã, dịch vụ không phong phú nên ngày càng ít khách. Về mặt nhân lực, sự đầu tư kinh phí cho người làm ở điểm BĐVH chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên có những người phải tranh thủ làm thêm nhiều việc khác, dẫn tới chất lượng phục vụ người dân bị giảm sút.

Giải trình về vấn đề sách, báo tại các BĐVH còn nghèo nàn, bà Nguyễn Thị Hai, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách, báo tại các điểm BĐVH, Thư viện tỉnh đã hỗ trợ sách cho các điểm BĐVH trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, do tiền lương nhân viên bưu điện không cao, họ rất ngại việc để mất sách, bởi mỗi cuốn sách bị mất sẽ phải đền gần 100.000 đồng. Do đó, nhiều BĐVH đã được hỗ trợ sách, báo nhưng nhân viên không mở ra phục vụ người dân.

Hướng đi nào cho BĐVH xã

Để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVH, tại cuộc họp bàn về các giải pháp khôi phục phát triển của BĐVH các xã, phường trong thời gian tới, các thành viên Ban VH-XH HĐND tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành có liên quan đã cùng nhau đưa ra những hướng khắc phục. Đại diện Bưu điện tỉnh cho biết, hiện ngành bưu chính tỉnh Bình Dương nói riêng và ngành bưu chính - viễn thông nói chung đang tìm nhiều giải pháp để “cứu” các điểm BĐVH xã. Bưu điện tỉnh đang triển khai đề án phối hợp với Bảo hiểm xã hội trả lương hưu, bán bảo hiểm tại các điểm BĐVH. Đồng thời, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng tại các điểm BĐVH xã, với các khóa học thiết thực để nhằm tăng thu nhập cho BĐVH.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh Nguyễn Minh Giao, cho rằng: Trong thời gian tới, sẽ tiến hành quy hoạch lại hệ thống các điểm BĐVH xã theo hướng ngừng các điểm hoạt động không hiệu quả, nâng cấp các điểm hoạt động hiệu quả. Để những BĐVH đang hoạt động, hoạt động tốt hơn, ông đề nghị Bưu điện tỉnh cần xây dựng đề án để nâng các điểm BĐVH xã thành bưu cục cấp 3, đồng thời cần tận dụng điểm BĐVH xã làm nơi sinh hoạt cộng đồng như: là nơi cung cấp thông tin; bổ sung thêm sách về các bộ luật, tài liệu hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; cung cấp thêm đồ dùng học sinh... vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và giảm bớt “gánh nặng” chi phí. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của địa phương, các cấp, các ngành để điểm BĐVH xã luôn là những điểm sáng, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn với phương châm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Kỳ 2: Tìm “chỗ đứng” vững vàng cho đài truyền thanh cơ sở

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=420
Quay lên trên