Các trường TCCN tại Bình Dương: Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo

Cập nhật: 22-09-2014 | 08:30:43

Sau khi các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2, cũng là lúc cuộc chạy đua của các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) chính thức được mở màn. Mặc dù ĐH không còn là sự chọn lựa duy nhất của học sinh (HS) nhưng hầu như các trường TCCN luôn có phần “lép vế” hơn so với các trường ĐH, cao đẳng (CĐ). Thời điểm này, sức ép về việc bảo đảm đủ chỉ tiêu của các trường TCCN tại Bình Dương cũng đang hết sức căng thẳng.

 Giờ thực hành tại trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Đông Nam Ảnh: N.THANH

Tuyển sinh khó khăn

Hiện nay mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp tại Bình Dương đã phát triển quy mô về số lượng đào tạo. Khối giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) trên địa bàn tỉnh năm học 2013- 2014 có 18 đơn vị. Trong đó, có 8 trường ĐH, 1 trường CĐ và 9 trường TCCN. Hệ TCCN trong các trường ĐH, CĐ và TCCN cũng thu hút rất nhiều HS đăng ký theo học hàng năm. Đây là lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng hết được.

Ngoài một số trường như CĐ Y tế, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương và Trung cấp Công nghiệp tuyển sinh tương đối gần đủ chỉ tiêu thì kết quả tuyển sinh TCCN chính quy năm học 2013-2014 của các trường còn lại tại Bình Dương rất ảm đạm. Thậm chí có trường lấy hơn 800 chỉ tiêu nhưng không tuyển được một HS nào vào học.

Chất lượng đầu vào các trường TCCN cũng còn nhiều vấn đề khi có khá nhiều trường chỉ xét tuyển với những điều kiện chung chung. Thí sinh chủ yếu vẫn tập trung ở các trường có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, tài chính - kế toán, sư phạm và các trường thực hiện liên kết đào tạo. Bên cạnh đó, tâm lý “sính bằng cấp”, “thầy hơn thợ” vẫn còn nặng trong xã hội nên GDCN chưa được nhìn nhận đúng vai trò. Nhiều phụ huynh và HS còn coi thường bậc học này, đa số muốn con em vào ĐH hơn, chính nhận thức này mà hầu hết chất lượng đầu vào của bậc TCCN hiện còn thấp và chưa đồng đều.

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Công tác tuyển sinh của các trường đa số đều thực hiện đúng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên công tác tuyển sinh TCCN năm học 2013-2014 vẫn còn gặp khó khăn, tổng số HS nhập học chỉ đạt 45,1%. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ hội việc làm trong xã hội, thu nhập của người dân và HS TCCN làm đúng ngành sau khi tốt nghiệp chưa cao. Một số trường chưa chú trọng việc tuyên truyền nhu cầu sau đào tạo đối với một số ngành nghề TCCN. Mặt khác, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường TCCN còn hạn chế nên thiếu sức hấp dẫn đối với người học.

Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng HS trúng tuyển TCCN nhưng không đến nhập học là do nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển vào TCCN nhưng cũng đã dự thi CĐ, ĐH và khi trúng tuyển cả CĐ, ĐH và TCCN thì các em đã chọn vào học CĐ, ĐH mà không vào học TCCN, việc đăng ký dự tuyển vào TCCN chỉ là phương án dự phòng của họ. Chưa kể có những thí sinh mặc dù không trúng tuyển vào CĐ, ĐH nhưng vẫn quyết tâm ôn tập để thi lại CĐ, ĐH năm sau mà không vào học TCCN. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường trong công tác tuyển sinh TCCN và cho thấy chính sách phân luồng HS sau THCS và THPT còn nhiều hạn chế.

Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương là một trong những trường có tỷ lệ thí sinh nhập học khá cao vào hệ TCCN năm học vừa qua với gần 90% cho 910 chỉ tiêu. Ông Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cho biết: Một trong những nguyên nhân mà các trường không tuyển đủ chỉ tiêu hệ TCCN là do trong những năm vừa qua, chỉ tiêu tuyển sinh vào CĐ, ĐH tăng lên rất nhanh, trong khi số HS tốt nghiệp THPT hàng năm giữ ổn định và có xu hướng giảm. Tình trạng sau khi tốt nghiệp TCCN khó tìm được việc làm cũng hạn chế đáng kể số HS đăng ký nguyện vọng vào bậc học này. Thực tế là ngoài số lượng HS được đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, còn số lượng khá lớn HS sau khi tốt nghiệp TCCN vẫn khó tìm việc. Chính vì thế mà trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đã cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo TCCN bằng cách: Chú trọng kỹ năng thực hành, nâng cao tay nghề, xác định nhu cầu xã hội cần cái gì mình đào tạo cái ấy. Chất lượng HS mình đào tạo ra khi vào làm tại các doanh nghiệp chính là một kênh thông tin hữu hiệu để quảng bá thương hiệu cho nhà trường. Ngoài ra, trường thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm với sự phối hợp của Trung tâm Giới thiệu việc làm và Liên đoàn Lao động tỉnh, phối hợp với hơn 20 doanh nghiệp để đưa sinh viên đến thực tập và hỗ trợ tạo việc làm khi các em tốt nghiệp…

Bà Trần Diệu Tuyết Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Bách khoa cũng cho biết: Năm nay trường tuyển 860 chỉ tiêu, cho đến thời điểm này trường đã tuyển được 400 chỉ tiêu. Để thu hút thí sinh vào các trường TCCN, chỉ còn cách là trường phải tự nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường cũng liên kết, hợp tác với các đơn vị như Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện Đa khoa Thuận An, Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, trường ĐH Y dược TP.HCM để kịp thời hỗ trợ sinh viên trong thực tập, thực hành và nhu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trong năm học vừa qua, công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo GDCN đã đạt được những kết quả nhất định, nhân lực trình độ TCCN ngày càng đáp lao động. Nhất là khi xã hội đang thừa thầy thiếu thợ và rất ‘khát” nhưng người thợ có tay nghề bậc cao. Hy vọng với nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trong xu thế cạnh tranh như hiện nay hứa hẹn sẽ đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội.

 

 NGỌC THANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X