Cần chủ động “bắt tay” nhau!

Cập nhật: 06-12-2011 | 00:00:00

Con số 94% sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường phải tiếp tục đào tạo lại được công bố tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học” do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức cuối tháng 11 qua, đã làm dư luận giật mình. Đào tạo lại, đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động mới (ra trường) là chuyện phổ biến lâu nay, tuy nhiên đến trên 90% SV đã tốt nghiệp phải tiếp tục đào tạo nhằm đủ sức đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) là điều rất đáng lo ngại về công tác đào tạo, nhất là ở bậc đại học, cao đẳng hiện nay.

 Cũng theo khảo sát trên, trong số các nội dung cần đào tạo lại có đến 92% thuộc về chuyên môn nghiệp vụ, 61% về kỹ năng mềm cơ bản và 53% thuộc về kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Theo ông Phan Thanh Bình, Giám đốc chiến lược Nhân Việt Management Group (đơn vị tiến hành khảo sát trên), ngay cả nhiều SV tốt nghiệp loại giỏi cũng không nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để bắt tay ngay vào việc; trình độ tiếng Anh, tin học của SV còn thấp hơn, thường chỉ đạt khoảng 50% yêu cầu công việc qua kiểm tra thực tế tại các DN.

Những con số trên tuy chưa phải là kết quả khảo sát cấp quy mô rộng (chỉ tiến hành ở 500 DN tại TP.HCM), nhưng cũng đủ cho thấy đã và đang có độ chênh rõ rệt giữa kiến thức, kỹ năng của SV được đào tạo với yêu cầu thực tế của DN có tính đòi hỏi ngày càng cao. Nguyên nhân chính vẫn là do SV thiếu cọ xát thực tế, thậm chí nhiều trường đào tạo kiến thức quá “hàn lâm” nhưng lại thiếu phần vận dụng thực tế nên khi bắt tay vào việc người lao động mới thường bở ngỡ, bị động. Đây là điều không mới, đã từng được phân tích và đề ra giải pháp qua nhiều cuộc hội thảo, góp ý khoa học trong chiến lược phát triển ngành giáo dục - đào tạo, tuy nhiên việc khắc phục chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sao cho sát với thực tiễn và phù hợp với xu hướng phát triển hơn nữa, điều rất quan trọng là sự phối kết hợp giữa “nhà cung cấp” (các trường) và “đơn vị nhận hàng” (DN, nhà tuyển dụng) cần được thắt chặt, thực sự được cả hai bên nhận thức một cách thấu đáo đây là giải pháp hài hòa, tránh lãng phí. Có 2 phương án đang được một số nơi áp dụng nhằm cải thiện tình hình này. Thứ nhất là tăng cường thời gian, học phần cho SV tham gia quá trình lao động thực tế ở các DN, cơ quan thuộc ngành nghề đào tạo, kể cả tạo điều kiện bố trí cho SV làm việc bán thời gian trong quá trình học tập. Thứ hai là đào tạo theo chương trình ký kết, theo “đơn hàng” của DN hoặc nhu cầu thị trường lao động. Không phải ngẫu nhiên mà những tập đoàn hàng đầu như Big C, Coca Cola, P&G... sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi năm chỉ để thu về vài chục SV được đào tạo bài bản từ các đơn “đặt hàng” từ trước nhằm phục vụ chiến lược phát triển của các DN này. Điều đó nói lên rằng, nếu đào tạo một cách bài bản, gắn chặt với thực tế và nhu cầu của thị trường lao động thì chắc chắn bài toán SV đã tốt nghiệp ra trường phải đi đào tạo lại, đào tạo bổ sung như thời gian qua sẽ có lời giải hữu hiệu hơn.

Việc tự đào tạo, “đường ai nấy đi” mà thiếu sự gắn kết nhau giữa các trường và nhà tuyển dụng đã bộc lộ sự thiếu chuyên sâu trong công tác đào tạo lẫn sử dụng lao động. Do đó, nếu có sự phối hợp tốt hơn giữa 2 phía sẽ không chỉ giúp cho công tác đào tạo sau giáo dục phổ thông ở nước ta ngày càng thực chất mà còn góp phần nâng cao tính định hướng, dự báo về nhu cầu lao động trong tương lai từ phản hồi của chính các DN, đơn vị sử dụng lao động. “Lối đi” không ở đâu xa mà ở ngay chính “dưới chân” các trường và nhà sử dụng lao động, họ cần chủ động bắt tay nhau vì quyền lợi của đôi bên, vì sự phát triển bền vững của xã hội.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=315
Quay lên trên