Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm: Liệu có “đánh trống, bỏ dùi”?

Cập nhật: 23-06-2012 | 00:00:00

Nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đang diễn ra tràn lan, ngày 16-5-2012, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT). Nhưng liệu những giải pháp này có thực sự hiệu quả không khi có quá nhiều kẽ hở để “luồn lách”?!

Siết chặt quản lý bằng cách phân cấp cụ thể

So với Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31-7-2007 thì Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (đến ngày 1-7-2012 có hiệu lực) quy định về DTHT có nhiều điểm khác biệt, ưu điểm hơn.

 Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học vì những kiến thức của cấp tiểu học được cho là còn nhẹ và dễ tiếp thu (ảnh chỉ mang tính minh họa)

“Việc thanh tra, kiểm tra ở ngành giáo dục không giống với kiểm tra tiệm thuốc tây, vì giáo dục là lĩnh vực tế nhị, ở đó có cả thầy và trò. Đó là vấn đề rất tế nhị” - một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh đã nói vậy.

Những nội dung đáng lưu ý trong thông tư này là: Không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước nội dung mà giờ chính khóa sẽ dạy; Quy định thời lượng dạy thêm cho một học sinh (HS)/tuần, số tiết/buổi học; Với các lớp dạy thêm trong nhà trường, phải phân loại HS theo học lực, tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ; Giáo viên (GV) dạy thêm (trong nhà trường) phải có đơn đăng ký dạy thêm và được nhà trường phân công dạy thêm; GV dạy thêm (ngoài nhà trường) phải cam kết với UBND cấp xã nơi tổ chức dạy thêm thực hiện đúng quy định, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, có giấy phép dạy thêm, công bố công khai danh sách HS, nội dung học, mức phí sẽ thu... Quy định thống nhất trên toàn quốc về việc thu và quản lý tiền học thêm, thẩm quyền và thủ tục cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép dạy thêm. Quy định về trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm của chính quyền, các cấp quản lý giáo dục.

Ưu điểm nổi bật của Thông tư 17 (so với các quy định trước đây và so với chính dự thảo ban đầu của thông tư) là “cắt” được ý định “lách luật” trong dạy thêm bậc tiểu học. Vì đối với HS tiểu học, chỉ được phép dạy thêm các môn năng khiếu và kỹ năng sống, không được dạy thêm các môn văn hóa. Việc phân cấp quản lý được giao quyền cho Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành.

Mặt khác, thông tư mới ban hành có phần “siết” chặt quản lý theo phân cấp. Trách nhiệm được giao cụ thể từ trên xuống dưới, đến từng tổ chức, cá nhân tổ chức DTHT. Nhưng theo ý kiến của một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh, người trực tiếp làm công tác tham mưu lại thẳng thắn nhận định: “Dù là phân cấp cho hiệu trưởng trường, phòng giáo dục huyện, thủ trưởng đơn vị... nhưng giáo dục là lĩnh vực tế nhị. Việc thanh tra, kiểm tra không giống như ở hàng tạp hóa hay tiệm thuốc tây... Một lớp học có cả thầy và trò, việc thanh, kiểm tra như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của trẻ và làm mất đi hình ảnh thiêng liêng của người thầy. Hơn nữa, cán bộ địa phương là ai? Hầu hết đều là HS cũ của thầy cô đó chứ ai!”.

Tránh rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”!

Mặc dù so với công văn được ban hành vào năm 2007 thì thông tư này có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, khi khảo sát ý kiến của GV và phụ huynh (PH) HS  thì hầu hết vẫn cho rằng, chấn chỉnh tình trạng DTHT chắc cũng chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Chuyện DTHT xét về một khía cạnh nào đó là nhu cầu của xã hội. Nhưng trong những năm qua không còn mang ý nghĩa nguyên vẹn mà bị biến tướng dưới nhiều hình thức, mà mục đích chủ yếu của người dạy là vì kinh tế. Hầu hết việc dạy thêm và học thêm là học trước chương trình. Nhiều thầy cô giáo không còn lương tâm đã trù dập những HS không học thêm bằng nhiều cách, gây thiệt thòi cho những HS không đi học thêm như cho HS học thêm biết trước chương trình kiểm tra, dạy sơ sài ở lớp khiến HS không đi học thêm không hiểu bài... Thậm chí, theo ý kiến của thầy Nguyễn Duy Canh, một hiệu trưởng về hưu: “Xã hội đang phải sống chung với DTHT, nhưng không ai có thể tham mưu cho Bộ GD-ĐT cách làm nào tốt nhất để giải quyết tình trạng này. Thực tế, chúng tôi không quản lý được hết các GV, nói nhiều thì họ ghét. Vì vậy dù là lãnh đạo nhà trường nhưng theo tôi cũng thật sự khó khăn trong việc quản lý. Bộ ban hành thì cứ ban hành, còn khi thực hiện có tiêu cực hay không tùy thuộc vào từng hiệu trưởng, từng GV. Quy định này nếu ban hành có lẽ sẽ trấn an được dư luận nhưng không giải quyết được gì”.

Nói về việc đăng ký giấy phép DTHT, khi phỏng vấn một GV một trường tiểu học ở TX.TDM thì GV này bật cười và lập tức nói: “Chuyện cấm DTHT đã nói từ bao nhiêu năm nay rồi, nhưng dạy thì có sao đâu? Một phần là do nhu cầu của PH muốn gửi gắm con em, phần thì nếu GV không làm gì quá đáng, phường cũng sẽ... “làm lơ” đi. Còn chuyện làm đơn tự nguyện thì chỉ cần nói một tiếng, PH sẽ làm ngay! Khó gì đâu?!”.

“Là một PH, tôi nghĩ rằng việc các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là nhu cầu của xã hội. Chúng tôi bận công việc không có thời gian trông nom, kèm cặp con học vậy thì chúng tôi phải gửi con cho cô giáo. Việc dạy thêm của GV là một việc làm lương thiện, trong sạch. Việc một số GV gây khó khăn cho HS không đi học thêm tôi nghĩ có chăng chỉ là số rất ít ỏi” - anh Hoàng Văn Hưng, PH ở TX.Dĩ An chia sẻ.

Còn với bạn Trần Duy Đức (du HS Mỹ), cho rằng việc DTHT là do chương trình học nước ta quá nặng: “Sinh viên năm nhất đại học của Mỹ mới biết cách tìm đạo hàm, giới hạn của hàm số, trong khi HS lớp 11 nước ta đã biết làm. Sinh viên đại học năm hai của Mỹ mới học Hóa hữu cơ, trong khi học sinh lớp 11 nước ta đã bắt đầu học. Hay nói thẳng ra chương trình cấp 3 nước ta tương đương chương trình năm 1 và 2 bên Mỹ. Một tiết học chỉ có 45 phút thì làm sao không tránh khỏi tình trạng DTHT được. Không phải thầy cô không muốn truyền đạt kiến thức mà vì thầy cô không có thời gian”.

Với tất cả những lý do, việc DTHT có lẽ rất khó để quản lý mặc dù thông  tư ban hành với những quy định khá chặt chẽ. Nếu không có một “dàn ý” chi tiết cho việc quản lý thì chuyện “lách luật” để DTHT sẽ vẫn là chuyện luận bàn “xưa như trái đất”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Đình Chuẩn: Xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm

Việc xử lý vi phạm được tuân thủ theo Nghị định 49 của Chính phủ về xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Mặt khác, người đứng đầu quản lý GV, cấp phép dạy thêm cho giáo viên... thì phải có trách nhiệm quản lý. Quy định có hiệu lực thì Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và có chấn chỉnh. Việc xử lý sai phạm sẽ thực hiện theo phân cấp trên cơ sở kiến nghị của bộ.

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X