Chạnh lòng cùng nhà giáo!

Cập nhật: 12-12-2011 | 00:00:00

Nhà văn, nhà giáo, nhà báo - những “nhà” mà trước đây nhiều người thường hay nói đùa (nhưng có lẽ thực tế là như vậy) là thành phần được xếp vào loại “nhà nghèo” trong xã hội, nhất là nhà giáo. Cách nhận xét ấy ngày nay tuy không còn chính xác nữa vì những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm trong việc cải tiến chính sách tiền lương, các chế độ phụ cấp, trợ cấp khác... cho đội ngũ nhà giáo, nên cuộc sống của những người làm cái nghề “đưa đò” cao quý này đã bớt đi rất nhiều những khó khăn, vất vả. Thế nhưng, sự quan tâm ấy vẫn còn nhiều bất cập khi mà một số chính sách, chủ trương thì có nhưng khi đi vào thực hiện thì không vướng cái này cũng vướng cái nọ...

Ai không chạnh lòng khi được biết hiện nay có khoảng 1 triệu nhà giáo trên cả nước đang chờ nhận tiền phụ cấp, nhưng chưa biết phải chờ đến bao giờ, chỉ vì còn thiếu cái thông tư hướng dẫn. Thật vậy, theo thông tin của báo chí có hơn 1 triệu nhà giáo sẽ được nhận phụ cấp thâm niên kể từ ngày 1-9-2011- thông tin từ nghị định này đã mang đến niềm vui cho nhiều nhà giáo khi bước vào năm học mới 2011-2012. Nghị định này (Nghị định 54/2011/NĐ-CP) được ban hành từ đầu tháng 7-2011, khi đưa vào thực hiện ước tính thu nhập bình quân của nhà giáo có thời gian công tác 5 năm trở lên sẽ tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng... song cho đến nay, sau gần nửa năm, khoản phụ cấp này vẫn chưa đến tay các nhà giáo.

Nhiều nhà giáo cho rằng quy định phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với ngành giáo dục nói chung và đối với nhà giáo nói riêng nên họ rất phấn khởi, tuy nhiên đợi mãi mà chẳng thấy gì. Hỏi lãnh đạo ngành, lãnh đạo trường thì ai cũng cho biết là chưa rõ, chưa biết khi nào chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo mới được thực hiện, nguyên nhân chỉ vì có nghị định nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa thể triển khai. Bên cạnh đó, việc quy định chế độ được hưởng phụ cấp thâm niên của nhà giáo cũng gây nhiều băn khoăn, ý kiến do nghị định quy định chỉ áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy, còn cán bộ quản lý cấp phòng, sở giáo dục - đào tạo thì không được hưởng, trong khi để tìm được cán bộ có đức, có tài để làm cán bộ quản lý của ngành không phải là chuyện dễ. Với chế độ cho nhà giáo có sự phân biệt giữa người trực tiếp đứng lớp và người không trực tiếp đứng lớp như vậy ngành rất khó thu hút cán bộ quản lý.

Bên cạnh đó, một số giáo viên sắp nghỉ hưu cũng tâm tư: lương giáo viên đã thấp, lương giáo viên nghỉ hưu lại càng thấp hơn, vậy mà phụ cấp chỉ dành cho người đang công tác, còn những nhà giáo đã công tác trong ngành mấy chục năm, đã và sắp nghỉ hưu thì không được quan tâm đến... Và có lẽ tình trạng này đang là tình trạng chung trên tất cả các tỉnh, thành - kể cả đối với Bình Dương.

Được biết hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo đang gấp rút hoàn tất hướng dẫn thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên, trong khi đó theo Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này hiện đang vẫn còn là dự thảo, nhiều tỉnh, thành đã có văn bản góp ý dự thảo này gửi về bộ trong tháng 10-2011, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có văn bản hướng dẫn chính thức... Mặc dù biết rằng, dù có trễ thì các đối tượng được thụ hưởng vẫn sẽ được truy lãnh nhưng thiết nghĩ chế độ này cần được nghiên cứu xem xét và có hướng dẫn thực hiện sớm một cách hợp tình, hợp lý để những nhà giáo giảm bớt thêm khó khăn trong tình hình lương luôn đi sau giá cả thị trường như hiện nay...Võ Hương
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=331
Quay lên trên