Chắp cánh cho những ước mơ

Cập nhật: 07-12-2013 | 00:00:00

Đề tài về các lớp học tình thương không mới, nhưng điều nhiều người quan tâm là khi tham gia lớp học các em không chỉ được xóa mù chữ mà còn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đang học để khi đến địa phương khác các em có thể học tiếp chương trình các lớp tiếp theo.

Vừa học vừa phụ ba mẹ

Lớp học tình thương phường An Phú (TX.Thuận An) thường bắt đầu từ lúc 17 giờ và kết thúc lúc 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Cũng giống như một lớp học ở trường học, các em được chia theo tổ để làm vệ sinh lớp trước mỗi giờ học; nhiệm vụ được phân công rõ ràng cho từng thành viên của tổ trực, các em lớn có nhiệm vụ kéo bàn ghế, chỉnh sửa lại cho ngay ngắn, quét lớp; còn các em nhỏ hơn thì lau bảng, lau bàn ghế…

Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TX.Thuận An) dạy học cho các em lớp học tình thương

“Hôm nay đến lịch em trực”, bé Nguyễn Thị Minh Kiều (quê ở Sóc Trăng) vừa quét lớp vừa chia sẻ, em năm nay 12 tuổi, đang học chương trình lớp 3. Năm 4 tuổi, em đến phường Lái Thiêu (TX.Thuận An) với ba mẹ và chị; năm 8 tuổi em mới được đi học tại lớp học tình thương

của phường, nhưng chỉ được vài tháng em phải theo người cậu lên Bến Cát phụ trồng cây kiểng. Một năm sau mới về, rồi gần 1 năm nữa gia đình chuyển đến phường An Phú nên em mới được đi học lại. Hiện 2 chị em của em đều học lớp này.

Đến giờ vào lớp, các em ngồi học rất trật tự, ngay ngắn; một số em trên khuôn mặt non nớt lộ vẻ mệt mỏi sau một ngày vất vả phụ giúp ba mẹ làm việc. Lớp học đã diễn ra hơn 30 phút nhưng vẫn có em mới vội vàng đến lớp. Toàn những gương mặt ngây thơ nhưng mỗi ngày các em phải làm việc nhà như nấu cơm, rửa chén, giặt đồ để phụ giúp ba mẹ. Có em đi học còn phải dẫn em nhỏ đi học cùng. “Hôm nay ba mẹ con tăng ca không ai giữ em nên con phải dẫn em đi học luôn”, bé Nguyễn Thị Ngọc Giàu (11 tuổi) vừa chăm chú học, chốc chốc lại nhìn sang trông em, nói.

Chứng nhận “ra trường” cho các em

Lớp học tình thương phường An Phú được thành lập năm 2009. Ban đầu lớp học được mở tại văn phòng khu phố, do đường đến lớp khá xa nên chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ nhà trọ số 45/2, khu phố 1B đã mở lớp học ngay tại nhà trọ của mình để các em thuận tiện đi lại. Ban đầu chỉ có khoảng 20 em đến lớp nhưng hiện nay lớp đã có gần 70 em, chị Ngọc là giáo viên chính và 4 giáo viên trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi luân phiên nhau đến hỗ trợ. Điều đặc biệt là từ lớp 1 đến lớp 5 các em đều được tổ chức cho thi giữa kỳ, thi học kỳ giống như chương trình học tại các trường tiểu học. Khi đào tạo các em hết chương trình lớp 5, giáo viên của lớp sẽ tổ chức cho các em thi “tốt nghiệp”; nếu vượt qua và em nào có nhu cầu học lên cấp 2 giáo viên sẽ nhờ Thị đoàn Thuận An làm giấy xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học để các em tiếp tục việc học.

Hiểu hoàn cảnh thiếu thốn của các em, chị Nguyễn Thị Ngọc đã có những chương trình chăm lo cho các em rất chu đáo. Chị tâm sự: “Do vừa làm Bí thư Chi đoàn thanh niên xa quê khu phố 1B, Chi hội trưởng Chi hội thanh niên công nhân (TNCN), giáo viên của lớp nên tôi chủ động tạo sự liên kết giữa 3 tổ chức này với nhau. Tôi còn phát động chương trình thu gom ve chai trong các bạn TNCN, đoàn viên, thanh niên để bán lấy tiền chăm lo cho các em nhỏ của lớp học. Theo đó, năm qua, chúng tôi đãcóít tiền dành để thăm hỏi các bạn nhỏ ốm đau, bệnh tật, tổ chức Tết Trung thu cho các em và dịp Tết Thiếu nhi 1-6; các em còn được tổchức một chuyến đi tham quan Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến thúvị nữa”.

Với sự chung tay góp sức của đoàn viên, thanh niên, các em nhỏ của lớp học tình thương không chỉ được biết mặt con chữ, con số, có điều kiện học tiếp tục mà còn được chăm lo về vật chất và tinh thần.

N.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X