Chính quyền điện tử: Góp phần xóa dần quan liêu, tham nhũng

Cập nhật: 25-10-2011 | 00:00:00

Sở Thông tin và Truyền thông đang trình UBND tỉnh đề án cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước với kỳ vọng từ nay đến năm 2020, người dân và doanh nghiệp (DN) không còn bị thủ tục hành chính (TTHC) gây phiền hà. Tất cả giao dịch qua hệ thống mạng. Vì thế, đề án  được xã hội quan tâm rất nhiều.

 Còn nhiều vướng mắc

Thời gian qua, việc chậm áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực hành chính công phát sinh nhiều yếu tố lạc hậu trong quản lý. Hậu quả là chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh sụt giảm nhiều, đó là chưa kể bộ TTHC dù có nhiều nỗ lực tinh giảm nhưng còn rất phiền hà đối với người dân và DN khi giao dịch với cơ quan công quyền.

 

Nếu thực hiện chính quyền điện tử, người dân và DN không cần trực tiếp đến làm TTHC

Từ năm 1997 đến nay, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất nước. Nhiều năm liền, chỉ số PCI của tỉnh đứng đầu cả nước. Do vậy, các cộng đồng DN rất quan tâm, nhất là DN có vốn FDI. Thế nhưng, mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước còn thấp, nên đã kéo theo chỉ số ICT - Index trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh chỉ đạt 29/63 tỉnh, thành trong cả nước. Và hệ quả là chỉ số PCI sụt giảm.

Hiện nay, các TTHC ứng với các dịch vụ hành chính công đã được rà soát, tinh giảm theo quy định của Chính phủ. Số liệu thống kê của tổ công tác Đề án 30, người dân và DN phải quan hệ 1.891 dịch vụ hành chính công với cơ quan công quyền; trong đó có 192 bộ TTHC cấp xã, 232 bộ TTHC cấp huyện và 1.467 bộ TTHC cấp tỉnh. Nhiều TTHC người dân đi lại mất hàng tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thành. Một DN kinh doanh xăng dầu, than phiền mở cửa hàng xăng dầu phải mất một năm kể từ ngày xin phép chủ trương qua nhiều sở ngành, nhiều cửa như: Sở Kế hoạch và Đầu tư xin phép đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển mục đích sử dụng đất, Quản lý thị trường kiểm định, phòng cháy chữa cháy, Sở Công Thương...

Ở một đơn vị điển hình

Tại một số cơ quan, đơn vị như Hải quan Bình Dương rất thành công khi áp dụng công nghệ thông tin vào khai báo các dịch vụ, được cộng đồng DN hoan nghênh. Bởi các công đoạn thực hiện khi báo xuất nhập khẩu, hầu hết DN đều qua hải quan điện tử. Bên cạnh đó, trên website Hải quan Bình Dương, DN luôn được cập nhật đầy đủ thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu, các văn bản, chính sách, chế độ liên quan đến xuất nhập khẩu... Website này cũng làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc cho DN, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước, công khai minh bạch các quy trình thủ tục và hoạt động của cơ quan hải quan.

Ngoài ra, Hải quan Bình Dương còn duy trì vận hành thông suốt khai báo hải quan từ xa và ứng dụng 2 phần mềm quản lý hành chính CG, SXXK. Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Hàn Anh Vũ, cho biết việc áp dụng hải quan điện tử đã hạn chế tình trạng quan liêu cửa quyền của đội ngũ cán bộ ngành. Nếu nhân rộng chính quyền điện tử vào các cơ quan công quyền, chắc chắn sẽ không tiêu tốn thời gian và tăng thêm lòng tin của người dân và DN, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước.

Cần sự nỗ lực từ cơ quan Nhà nước

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải qua 4 mức độ. Mức độ 1 là bảo đảm các thông tin TTHC và các văn bản có liên quan quy định về TTHC. Mức độ 2, cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản, tờ khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp qua đường bưu điện đến cơ quan tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 3 các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua môi trường mạng, việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ. Mức độ 4, tất cả các khâu đều được thực hiện trực tuyến. Thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thành công sẽ giảm được chi phí, thời gian đi lại cho các tổ chức cá nhân, giảm được chi phí chung cho toàn xã hội. Việc thực hiện lộ trình này sẽ đặt người dân vào vị trí trung tâm được phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi hơn để cá nhân, tổ chức tìm hiểu, góp ý với các cơ quan Nhà nước, góp phần công khai minh bạch TTHC. Với các cán bộ cơ quan Nhà nước cũng hình thành phong cách làm việc điện tử, nâng cao trình độ và hiệu lực quản lý.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính quyền điện tử gặp không ít trở ngại, bởi nhận thức về vai trò, vị trí của việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tiến trình phát triển chưa được quan tâm đúng mức, từ đó, việc đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở một số ngành chưa thích đáng, chưa bảo đảm hạ tầng cũng như nhân lực công nghệ thông tin để triển khai chính quyền điện tử...

Quá trình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang phát sinh ngày càng nhiều các nghiệp vụ hành chính giữa người dân, DN và cơ quan Nhà nước. Vì thế, triển khai thực hiện đề án chính quyền điện tử luôn đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực đích thực của lãnh đạo các cơ quan Nhà nước. Được như vậy sẽ góp phần xóa dần quan liêu, tham nhũng và phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, DN khi quan hệ giao dịch TTHC công.

HÒA NHÂN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên