Đại học: Lối đi tốt, nhưng không phải duy nhất

Cập nhật: 16-07-2012 | 00:00:00

Năm 2012 có 1.812.000 lượt thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ hơn 560.000. Như vậy, chỉ có khoảng hơn 1/3 số thí sinh dự thi được vào ĐH, CĐ. Gần 2/3 thí sinh còn lại sẽ chọn lối rẽ nào cho cuộc đời của mình?  Cửa vào ĐH cũng lắm gian nan

Hàng chục năm nay, cứ mỗi dịp tháng 7 về, hàng trăm ngàn thí sinh trong tâm trạng vừa háo hức vừa lo lắng tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH. Vào ĐH là ước mơ, là nguyện vọng cháy bỏng của hầu hết các bạn học sinh và chính các bậc phụ huynh. Điều đó cũng là vấn đề rất hợp lý và bình thường bởi thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở đa số các quốc gia trên thế giới hàng trăm năm qua đã chứng minh: ĐH là con đường tốt để tạo ra những cơ sở, tiền đề để đi đến thành công cho mỗi người. Ở VN, một đất nước chịu sự ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Nho giáo và hoàn cảnh lịch sử có quá nhiều thăng trầm nên khát khao vươn lên, nỗ lực khẳng định, mong muốn đổi đời rất mạnh mẽ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những điều đó đã góp phần quan trọng làm cho việc thi tuyển ĐH trở nên căng thẳng quá mức.

Tuy nhiên, sự căng thẳng quá mức của việc thi cử đã làm cho mục tiêu giáo dục bị biến dạng. Thay vì học là sự tìm tòi, chiếm lĩnh, vận dụng  tri thức vào học tập và cuộc sống, học là niềm vui - niềm vui được đến trường khám phá cái mới, cái hay, cái đẹp, học là quá trình hoàn thiện đồng bộ cả tri thức, kỹ năng, thái độ, sức khỏe... thì học bây giờ lại chủ yếu để đậu ĐH. Chính những quan điểm lệch lạc về mục tiêu giáo dục của phụ huynh, một bộ phận không ít thầy cô giáo và đặc biệt là các cơ quan quản lý giáo dục với căn bệnh thành tích trầm kha hàng chục năm nay đã tác động tiêu cực tới học sinh. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều biểu hiện đau lòng mà xã hội hiện nay phải chứng kiến: học sinh tự tử vì thi không được, bạo lực học đường, game online, thoái hóa lối sống của giới trẻ, những trường ĐH, CĐ kém chất lượng vẫn “sống khỏe”...

“Trong thi cử nói chung và tuyển sinh nói riêng, không thể lấy thành bại mà luận anh hùng. Trong cuộc đời nói chung và hướng nghiệp nói riêng, không thể lấy vinh hiển mà luận nhân cách” (Tạ Quang Bửu). ĐH là con đường tốt chứ không phải là con đường duy nhất, cũng không phải yếu tố quan trọng nhất dẫn các bạn tới tương lai thành công và tốt đẹp. Cuộc sống - bản chất của nó - từ xưa đến nay lớn hơn mọi kỳ thi. Tìm hiểu bí quyết thành công của những người nổi tiếng, những doanh nhân thành đạt người ta thấy được một điểm chung phổ biến đó là: giá trị, danh tiếng, uy tín, thành công, hạnh phúc, sự giàu có của họ không phải đến từ bằng cấp đạt được. Những điều đó đến từ tri thức, kỹ năng, bản lĩnh, kinh nghiệm, sự nỗ lực, cố gắng không ngừng vươn lên của họ trong cuộc sống. Vì vậy bạn không nên quá bi quan, chán nản nếu chưa vào ĐH. Hiện nay vẫn còn có rất nhiều hướng đi tốt  mà bạn có thể lựa chọn cho tương lai của mình:

Thứ nhất, đăng ký vào học các trường trung cấp

Việc tuyển sinh vào trường trung cấp (TC) được thực hiện theo hình thức xét tuyển (không tổ chức thi), trừ các ngành đào tạo năng khiếu. Hiện nay tất cả các trường TC đều xét tuyển học sinh đã tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT hoặc tương đương. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường xét tuyển những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TC. Các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm. Bạn có thể vào website các trường để biết thông tin cụ thể. Bằng tốt nghiệp TC được cấp theo chuyên ngành đào tạo, thuộc hệ thống văn bằng quốc gia, có thể học liên thông lên CĐ, ĐH. Học sinh được hoãn nghĩa vụ quân sự, được xét miễn giảm học phí, xét cấp học bổng...

 Như vậy, những trường này đầu vào rất dễ, ra trường dễ kiếm được việc làm do thị trường lao động hiện nay cần nhiều thợ hơn là thầy. Thời gian học ngắn, chi phí học ở các trường này thấp, chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với học ĐH. Sau khi tốt nghiệp bạn có thể thi liên thông lên hệ CĐ, ĐH của các trường khác hoặc đi làm, có đủ tiền và kinh nghiệm để học liên thông lên cao, biến “giấc mơ ĐH” thành hiện thực. Tuy đây là cách “đi vòng” nhưng khá vững chắc.

Thứ hai, học ĐH từ xa hoặc ĐH vừa học vừa làm

Hiện nay có rất nhiều trường mở hệ vừa học vừa làm. Ở Bình Dương có trường ĐH Thủ Dầu Một và một số trường khác đã nhiều năm mở hệ này. Một số trường như ĐH Mở TP.HCM, ĐH Bình Dương, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM... có mở hệ ĐH từ xa. Trong thời gian học ĐH hệ vừa học vừa làm hoặc hệ từ xa, bạn có thể học thêm ngoại ngữ, vi tính, các kỹ năng khác hoặc có thể học thêm một trường TC để tự trang bị tốt năng lực lao động cho mình.

Thứ ba, học nghề

Chọn học một nghề phù hợp với sở trường, tính cách, hoàn cảnh gia đình bạn. Hiện nay thị trường lao động Bình Dương và Việt Nam đang thiếu rất nhiều thợ giỏi. Nếu bạn học tốt, ra trường sẽ rất dễ kiếm việc làm. Khi đã trở thành thợ lành nghề, bạn sẽ có cơ hội có thu nhập cao không kém so với những người tốt nghiệp ĐH.

Về thời gian đào tạo, với bậc TC nghề, học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12 sẽ học 2 năm và học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học 3 năm, trong đó có 1 năm học văn hóa theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Ở các trường CĐ nghề, thời gian đào tạo một khóa là 2,5 - 3 năm. Sau khi tốt nghiệp TC nghề, CĐ nghề cùng ngành đào tạo, người học được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ CĐ và ĐH theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT. Trong đó, thời gian đào tạo liên thông từ TC nghề lên CĐ và từ CĐ nghề lên ĐH được thực hiện từ 1,5- 2 năm. Từ TC nghề lên ĐH được thực hiện từ 3 - 4 năm học. Với con đường liên thông này, nhiều bạn trẻ đã chọn để học tiếp lên ĐH.

Thứ tư, ôn thi lại vào năm sau

Hiện nay đây là con đường được một số thí sinh lựa chọn và cũng có nhiều người thành công. Muốn được như vậy đầu tiên bạn cần tránh tâm lý tự ti và chuẩn bị cho mình sự kiên nhẫn, nghị lực và quyết tâm cao. Bạn nên tự rút kinh nghiệm và học hỏi các bạn đã đỗ ĐH xem nguyên nhân tại sao mình chưa thành công. Từ đó xem xét phương pháp học, nếu thấy không hiệu quả thì cần thay đổi. Trong năm ôn thi lại bạn nên tập trung vào một mục tiêu chính của mình, không nên phân tán tư tưởng và sức lực cho những việc khác.

Lưu ý khi chọn trường

Để được học một trường TC chuyên nghiệp hay TC nghề, CĐ nghề tốt, bạn cần quan tâm các vấn đề sau: học phí cả khóa học, cơ sở vật chất để phục vụ đào tạo có tốt hay không (phòng học, thí nghiệm, thực hành, vi tính, thư viện, sân thể thao, nhà vệ sinh...); trình độ đội ngũ giảng viên, số lượng giảng viên cơ hữu, các cán bộ quản lý ở các phòng ban; mức độ danh tiếng của trường đó; văn bằng có thể liên thông được với các bậc học cao hơn hay không; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là bao nhiêu; đánh giá của cựu học sinh và doanh nghiệp về trường; học bổng; cơ cấu tổ chức của trường đó có đầy đủ không; các hoạt động Đoàn - Hội; hoạt động hỗ trợ sinh viên. Tốt nhất, bạn nên đi tham quan thực tế cơ sở của trường và tìm hiểu đầy đủ các yếu tố trên trước khi nộp đơn xét tuyển. Bạn không nên quá tin những lời quảng cáo, giới thiệu về trường. Trường nào có nhiều vấn đề về tổ chức đào tạo mà báo chí phản ánh (kiểm tra trên google) thì bạn nên bỏ qua.

THS TRẦN MINH ĐỨC (Đại học Thủ Dầu Một)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X