Đạo lý tiền lương

Cập nhật: 07-12-2011 | 00:00:00

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII vừa qua, một câu hỏi của đại biểu đặt ra với các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội về tiền lương cao ngất của ngành điện lực, xăng dầu, ngân hàng... Trong đó có một số ngành lương siêu cao nhưng lỗ cũng siêu cao? Song vẫn không được các bộ trưởng trả lời thấu đáo.

Một vài đại biểu Quốc hội đã phát biểu việc các ngành làm ăn thua lỗ mà lương cao là không thể chấp nhận. Về lý thuyết, trong sản xuất - kinh doanh mà lỗ có nghĩa là làm ăn không hiệu quả lấy đâu ra tiền để có lương cao? Việc trả lương cao trong trường hợp này đồng nghĩa với sự chiếm đoạt tiền của dân, của cộng đồng để mang lại lợi ích cục bộ cho ngành mình.

Ai cũng biết, để có được các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, các công trình hạ tầng cho ngành điện, xăng dầu ngoài sự góp vốn của Nhà nước, nhờ Nhà nước có nhiều chính sách đổi mới tạo điều kiện cho ngành điện, xăng dầu phát triển thì còn biết bao, hàng ngàn, hàng chục vạn gia đình nông dân phải hy sinh từ bỏ ruộng vườn, làng quê dành đất cho ngành điện, xăng dầu xây dựng các công trình, hy sinh cả những truyền thống văn hóa của làng xã mình cho sự phát triển của ngành điện.

Đúng ngày các đại biểu Quốc hội chất vấn các bộ trưởng về sự thua lỗ và lương cao của ngành điện lực và xăng dầu thì Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin, hình ảnh về người dân tỉnh Quảng Nam vì hồ thủy điện mà không có đường đi vào bản làng, phải bỏ tiền đi đò dọc vào nơi mình sinh sống thật gian khổ. Ngành điện, xăng dầu, ngân hàng... nghĩ gì khi họ được hưởng mức lương có khi cao gấp hơn 10 lần của các thầy cô giáo, y bác sĩ, bộ đội biên phòng có cùng kiến thức, trình độ đang công tác nơi vùng cao biên giới?

Nhờ chính sách đổi mới của Đảng, đất nước ngày càng phát triển, trong đó có sự đóng góp của tất cả mọi người dân và các cấp, các ngành. Đành rằng, chúng ta đang từng bước hội nhập tiến tới nền kinh tế thị thường, nhưng là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần phải nhận thức thành tựu phát triển đất nước là thành quả chung, mà người phải hy sinh đóng góp lớn nhất là nhân dân lao động.

Về hưởng thụ, chúng ta không khuyến khích sự cào bằng mà phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng với những người có cống hiến cao, chúng ta cũng khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài trả lương cao đối với người lao động. Song, việc một số doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lại có cách trả lương cao ngất trong khi sản xuất - kinh doanh lỗ ngút trời hoàn toàn trái với đạo lý tiền lương của chế độ XHCN. Không những thế, đây cũng chứng tỏ sự quản lý yếu kém của các cơ quan Nhà nước với vai trò quản trị nền tài chính quốc gia và thực hiện chính sách công bằng xã hội.

Trọng Đạt

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=306
Quay lên trên