Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) và LĐNT cần được đào tạo nghề thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đồng thời là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Ðào tạo nghề cho LÐNT được xem là “chìa khóa” thành công cho nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia. Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn liền với việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân, nên đây cũng là mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cách đây 4 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020. 4 năm qua ngân sách Trung ương đã chi cho công tác đào tạo nghề LĐNT trên 4.870 tỷ đồng. Ngoài ra, một số địa phương đã chi thêm ngân sách để chủ động lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Trong 4 năm qua, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu LĐNT được đào tạo nghề. Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực và sản xuất thu hẹp, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã đạt được kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại các địa phương đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, thực hiện an sinh xã hội.
Tuy nhiên, đánh giá thực chất hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT vẫn chưa đạt mục tiêu của đề án. Số lao động được hỗ trợ dạy nghề còn thấp, việc làm cho LĐNT chưa thật sự bền vững. Việc đào tạo nghề cho LĐNT còn dàn trải, thiếu định hướng.
Hiện nay, cả nước có khoảng trên 32 triệu LĐNT, chiếm 75% dân số trong độ tuổi lao động của cả nước. Song thực tế hiện nay, lực lượng LĐNT được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ rất thấp. Cùng với mức sống thấp, thiếu việc làm và quá trình đô thị hóa, việc sử dụng đất nông nghiệp cho xây dựng các khu công nghiệp làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm xuống, dẫn tới làn sóng di cư mạnh mẽ từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Quá trình di cư này dẫn tới rất nhiều hệ lụy cho các thành phố với các vấn đề về nhà ở, môi trường, văn hóa…
Để giải quyết vấn đề này thì vấn đề tạo việc làm cho LĐNT luôn gắn chặt với việc đào tạo nghề cho họ để hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế và việc làm cho khu vực nông thôn với phương châm “ly nông bất ly hương”. Việc đào tạo nghề phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Chỉ tổ chức dạy nghề cho LĐNT khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề. Chính sách dạy nghề cho LĐNT phải hướng đến chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp…
NHẬT HUY