Quá tải tại các bệnh viên tuyến trên từ lâu đã trở thành hiện tượng phổ biến. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), một trong những điểm “nóng” về thực trạng quá tải, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú cho gần 2.500 bệnh nhân.
Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có 55 buồng khám bệnh, với 93 bàn khám bệnh. Từ sáng sớm, số lượng bệnh nhân chờ khám đã đông nghịt. Tại khu vực chờ khám, trước các phòng khám, bệnh viện phải bố trí thêm nhiều ghế nhựa nhưng vẫn không tránh khỏi tình cảnh bệnh nhân ngồi bệt, lê la dưới đất, tràn ra hết cả lối đi.
Sau khi thăm hỏi các bệnh nhân đang chờ khám tại bệnh viện này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận thấy hầu hết các trường hợp đều đi khám chữa bệnh vượt tuyến. Không những thế, người đứng đầu ngành y tế còn nhận ra rằng, rất nhiều bệnh nhân đi khám vượt tuyến nhưng chỉ là để khám các triệu chứng nhức đầu, cảm cúm…! Tất nhiên cũng có những trường hợp mắc bệnh nặng nhưng “chẳng biết trình độ chuyên môn của các bác sĩ tuyến dưới thế nào mà điều trị bệnh mãi không khỏi…”. Và, Bộ trưởng chốt lại rằng: Trên thức tế, tình trạng bệnh mà bệnh nhân thật sự cần đi khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy không đông đến thế. Vượt tuyến khám bệnh đã gây ra quá tải mà không có cách nào giải quyết nổi (?!).
Vì sao người bệnh lại đi khám chữa bệnh vượt tuyến, ngay cả đối với những triệu chứng bệnh đơn giản như cảm cúm, nhức đầu? Đó chẳng phải là tâm lý lo lắng của người dân về chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến cơ sở. Đó cũng chẳng phải là do người dân còn e ngại, nghi ngờ trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ ở tuyến dưới…? Khi mà các bệnh viện tuyến dưới còn đó cơ sở vật chất nghèo nàn. Đội ngũ y bác sĩ cơ sở đâu đó vẫn còn để xảy ra tình trạng tắc trách trong khám chữa bệnh như đã từng xảy ra nhiều lần trong thời gian qua… Người dân chắc chắn sẽ vẫn còn lo lắng, e ngại và câu chuyện khám chữa bệnh vượt tuyến vẫn còn xảy ra dài dài.
Vậy thì vấn đề quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, đâu chỉ đơn giản là do người dân đi khám chữa bệnh vượt tuyến?
THÀNH SƠN