Ngày mai (4-7), kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) đợt 1 năm 2014 sẽ bắt đầu. Hôm nay (3-7), thí sinh (TS) đến các trường ĐH làm thủ tục dự thi. Không như thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi này rất khắc nghiệt, luôn có tỷ lệ chọi cao. Vì thế, sau mỗi kỳ thi ĐH-CĐ, số TS lâm vào cảnh “đệ nhất buồn” không hề thấp. Để vào được ĐH đòi hỏi học sinh phải có học lực giỏi. Ngoài ra, nếu chọn trường vừa sức, chọn ngành phù hợp thì cơ hội vào ĐH của các em sẽ cao hơn. Trước khi bước vào cuộc chiến cam go này, TS cật lực ôn luyện, phần đông là các em đến các điểm ôn thi ĐH trong và ngoài tỉnh.
Với nhiều TS đây là bước ngoặt của cuộc đời. Bởi kỳ thi không chỉ là dấu ấn đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình tạo dựng tương lai sự nghiệp cho bản thân mà còn là bước kiểm tra trình độ, khả năng của TS trước nghề nghiệp, đường công danh, sự nghiệp sau này. Do đó, TS đã thận trọng trong chọn trường thi. Điều đó cho thấy TS đã có sự chín chắn khi đưa ra quyết định cho bước đường tương lai. Ngày nay TS không còn đổ xô chọn những ngành được cho là “hot” như kinh tế, ngân hàng, thay vào đó, các em chọn những ngành nhu cầu xã hội đang cần. TS có xu hướng chọn những ngành mới lạ, ít người học, nhưng đây là những ngành có nhiều cơ hội việc làm hơn. Điều kiện kinh tế cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã biết chọn học những ngành chi phí thấp.
Điều đáng mừng là năm nay, qua thực tế chọn trường, chọn ngành cho thấy đa số các em chọn trường do bản thân yêu thích chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào sức ép gia đình hay “chạy đua” vào những trường đang “hot” để làm bệ phóng cho tương lai. Ngày nay, TS có xu hướng chọn trường ngay tại địa phương để cơ hội vào ĐH cao hơn. Riêng TS trên địa bàn tỉnh, năm nay phần đông các em chọn thi vào trường ĐH Thủ Dầu Một. Vì đây là trường công lập, có điểm chuẩn khá mềm.
Tuy nhiên, vào ĐH không phải là con đường duy nhất và có nhiều cách để các em thực hiện ước mơ học ĐH. Nếu không có khả năng thi đậu ĐH thì đừng nên tham vọng chỉ thêm mất thời gian, công sức, tiền của gia đình. Lúc này đây, TS rất cần sự chia sẻ, động viên từ phía người thân. Không nên tạo áp lực cho con phải thi đậu ĐH. Với những em chẳng may thi trượt cũng không nên quá buồn, các em còn có nhiều lối rẽ vào đời, có thể chọn học CĐ hoặc trung cấp chuyên nghiệp, sau đó học liên thông lên ĐH.
Về phía ngành giáo dục, để TS không bị căng thẳng trước mỗi kỳ thi, bộ cần tính đến phương án một kỳ thi chung. Và việc này cũng được Chính phủ, Bộ GD-ĐT tính đến. Theo bộ, tổ chức một kỳ thi quốc gia là một nội dung quan trọng nằm trong chương trình hành động của Chính phủ. Theo giải thích của một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tổ chức một kỳ thi không có nghĩa là bỏ bớt đi một trong hai kỳ thi: thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, mà là một kỳ thi lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo CĐ, ĐH. Sự đổi mới này sẽ tránh lãng phí cho xã hội, TS không bị áp lực thi cử, khi mà chương trình giáo dục của ta còn nặng nề và học sinh phải trải qua quá nhiều kỳ thi như hiện nay.
• DÂN THƯỜNG