Dấu ấn Việt - Đức

Cập nhật: 05-10-2015 | 07:57:53

Cách đây 40 năm, Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước đã có những mối quan hệ tốt đẹp trên các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. Hiện tại, quan hệ giữa Việt - Đức đã được nâng lên một bước mới là “Quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai”. Dấu ấn Việt - Đức đang thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực. Ở góc độ giáo dục - cũng là góc độ vì tương lai, hai bên đã ký kết hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh, thành lập trường Đại học Việt - Đức, trung tâm Đức ngữ, dự án dạy tiếng Đức và trường Phổ thông Quốc tế Việt -Đức…

Trường Đại học Việt Đức ra đời đã đánh dấu một bước hợp tác mới trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. Năm 2006, ý tưởng về việc thành lập trường Đại học Việt Đức xuất hiện và được thỏa thuận giữa nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Giáo dục, Nghiên cứu và Nghệ thuật bang Hessen, ngài Udo Corts. Năm 2007, biên bản ghi nhớ về việc thành lập trường Đại học Việt Đức chính thức được ký kết trước sự chứng kiến của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức, ngài Horst Köhler. Năm 2008, Đại học Việt Đức tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên với 35 sinh viên ghi danh chương trình đào tạo “Kỹ nghệ điện và Kỹ thuật Thông tin”, giảng dạy bởi trường Đại học Khoa học ứng dụng Frankfurt. Từ năm 2009, Đại học Việt Đức cung cấp các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ trên các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Từ năm 2011, trường tiếp tục mở thêm các chương trình mới bậc đại học… Đặc biệt, Đại học Việt Đức được hỗ trợ từ liên minh gồm 30 trường đại học ở Đức.

Với những nền tảng vững chắc ở một nền giáo dục của quốc gia hàng đầu châu Âu, Đại học Việt Đức sẽ “sản sinh” những nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới trong thời hội nhập. Bình Dương, một tỉnh đang có tốc độ phát triển nhanh, hội nhập cao sẽ rất thuận lợi khi Đại học Việt Đức đứng chân ngay trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đang có chủ trương thu hút các dự án đầu tư mang hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động, ít ảnh hưởng đến môi trường và chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… càng tạo thêm cơ sở vững chắc để trường phát triển. Các nhà đầu tư ở lĩnh vực khoa học công nghệ, có hàm lượng chất xám cao khi đến Bình Dương tìm hiểu môi trường đầu tư đã không còn băn khoăn như trước đây về nguồn nhân lực.

Trên địa bàn tỉnh hiện có các trường đại học danh tiếng đứng chân cùng với chính sách đào tạo nguồn nhân lực hợp lý, Bình Dương sẽ là nơi triển vọng cho các dự án đầu tư mới có giá trị gia tăng cao, có trình độ khoa học công nghệ cao. Trong đó, không thể không nhắc đến dấu ấn của Việt - Đức.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên