Dầu Tiếng: Quan tâm, chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 30-12-2015 | 08:36:45

Những năm qua, song song với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về kinh tế, đồng hành trên hành trình xây dựng huyện Dầu Tiếng ngày một phát triển, đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cũng được huyện quan tâm. Huyện đã tập trung đầu tư, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc một huyện phía tây bắc của tỉnh.

Khám bệnh miễn phí cho các hộ dân tộc Chăm ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng Ảnh: K.TUYẾN

Đời sống vật chất được nâng cao

Huyện Dầu Tiếng hiện có 955 hộ ĐBDTTS, với gần 3.000 nhân khẩu, sống tại các xã, thị trấn của huyện. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện trong việc hỗ trợ, định hướng để bà con DTTS làm ăn phát triển kinh tế, đến nay toàn huyện còn 15 hộ dân tộc nghèo, 21 hộ dân tộc cận nghèo. Theo ông Nguyễn Hữu Bằng, cán bộ phụ trách công tác dân tộc của huyện Dầu Tiếng, nhìn chung đời sống của các hộ ĐBDTTS khá ổn định, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng các loại cây như: cao su, điều, mì… Ngoài ra, còn một số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ tại các chợ trên địa bàn. Đa phần các hộ ĐBDTTS đều có đất đai, nhà cửa ổn định và đã tiếp cận với dự án sử dụng nước sạch bảo đảm cho cuộc sống hàng ngày.

Một bộ phận con em ĐBDTTS đã vào làm công nhân khai thác mủ cao su tại các nông trường cao su trên địa bàn huyện. Một số hộ khác là công nhân khai thác mủ hợp đồng theo thời vụ với chủ vườn cao su tư nhân và chăn nuôi, góp phần cùng nhân dân địa phương chung tay xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.

Để có được “quả ngọt” trong việc chăm lo đời sống cho ĐBDTTS, huyện thường xuyên tổ chức giới thiệu việc làm và ưu tiên đào tạo nghề cho họ. Hỗ trợ ĐBDTTS được vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; hỗ trợ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nâng cao chất lượng cuộc sống. Huyện đã thực hiện tốt công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện nói chung và các hộ đồng bào dân tộc nói riêng; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên con em dân tộc, như: Miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng cho các em, vay vốn. Riêng năm 2015, huyện đã hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ DTTS ở các xã Minh Thạnh, Minh Tân, Long Tân, Minh Hòa.

Vào những dịp lễ, tết, huyện đã triển khai đến các xã, thị trấn thực hiện rà soát tình hình hỗ trợ ĐBDTTS nghèo ăn tết... Kết quả đã chăm lo tốt cho các hộ nghèo, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 40 triệu đồng tặng quà tết cho các hộ ĐBDTTS trên địa bàn huyện.

Bà Quốc Hương (73 tuổi), ấp Tân Đức, xã Minh Tân, Dầu Tiếng vui mừng cho biết, là người Hoa sinh ra ở Campuchia, năm 1979, để lánh nạn diệt chủng Pôn Pốt, vợ chồng bà về Minh Tân sinh sống. Sau đó, chồng bà chết vì bệnh, một mình bà nuôi hai con khôn lớn. Cuộc sống khó khăn, bà được chính quyền xã Minh Tân vận động xây tặng nhà tình thương, hỗ trợ tiền khám chữa bệnh nên cuộc sống gia đình bà nay đã ổn định.

Xây dựng văn hóa tinh thần

Không những chăm lo đời sống vật chất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS luôn được quan tâm và phát huy. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa được ưu tiên. Những năm qua, các ngành, các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao thu hút đông đảo ĐBDT tham gia; bảo đảm 100% điều kiện tiếp cận và thụ hưởng ứng dụng các công nghệ thông tin trong giải trí, tiếp nhận thông tin trong các hộ gia đình ĐBDTTS; thường xuyên tổ chức chiếu phim lưu động nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân...

Hàng năm, huyện tuyển chọn các hộ gia đình tiêu biểu để tham gia liên hoan và các hội thi như: Hội nghị điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và Liên hoan văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ĐBDTTS do UBND tỉnh tổ chức. Riêng năm 2015, huyện đã đạt nhiều thành tích, như: Giải nhất môn kéo co, bóng đá; giải nhì phần thi lều trại đẹp và môn đẩy gậy; giải ba môn thổi kèn giấy, nhảy bao bố... Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Đội Thông tin lưu động tỉnh biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền lưu động phục vụ đồng bào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Của, Phó Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh khẳng định, huyện Dầu Tiếng là một trong những địa phương làm tốt công tác chăm lo cho ĐBDTTS. Qua các phong trào, hoạt động vui chơi, giải trí, cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng đoàn kết, gắn bó, tích cực xây dựng khu phố, ấp ngày càng phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn ở địa phương; các hủ tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, không mê tín dị đoan… ngày càng được nhân rộng.

 

 T.LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=882
Quay lên trên