Dạy và học trực tuyến trong mùa dịch bệnh

Cập nhật: 15-04-2020 | 08:56:12

 Hàng năm vào thời điểm này các trường THPT đã tổ chức ôn thi THPT quốc gia cho học sinh (HS) lớp 12, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc học tập của các em bị gián đoạn. Hiện nay, các trường đã và đang tổ chức dạy học qua internet, truyền hình, bảo đảm cung cấp kiến thức cho HS tham gia kỳ thi quan trọng sắp tới.

 Một tiết dạy trực tuyến của cô Nguyễn Thị Bích Nhuần, giáo viên dạy môn lịch sử trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) sáng ngày 13-4

 Tập trung cung cấp kiến thức cho HS

Ngày nào cũng vậy, tuy tổ chức dạy trực tuyến, nhưng cô Nguyễn Thị Bích Nhuần, giáo viên trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) vẫn mặc chiếc áo dài truyền thống khi “lên lớp”. Cô nói, dù dạy trực tuyến hay trực tiếp thì vẫn phải chỉn chu, để giờ học của thầy trò diễn ra nghiêm túc. Để có thời gian ôn tập cho HS lớp 12, ngoài tiết dạy theo phân phối chương trình, nhà trường còn chỉ đạo giáo viên dạy tăng tiết. Vừa dạy bài mới, cô Nhuần vừa dành thời gian để ôn lại kiến thức cũ cho HS vào đầu hoặc cuối tiết dạy. Theo cô, hiện nay ngân hàng đề và tài liệu ôn tập trên mạng internet đa dạng, nên cô chọn lọc những tài liệu phù hợp để dạy cho HS. Trong tuần tới sẽ kết thúc chương trình học, khi đó cô sẽ tập trung ôn tập chuẩn bị cho HS thi THPT quốc gia theo cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT).

“Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua internet, truyền hình theo hướng dẫn của sở. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy học qua internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HS và cha mẹ HS trong dạy học qua internet”.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Theo lịch điều chỉnh thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, còn gần 4 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra, do đó các trường THPT khắc phục mọi khó khăn để trang bị kiến thức cho HS. Từ ngày 3-2 đến nay, ngày nào Ban giám hiệu trường THCS - THPT Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) cũng túc trực tại trường. Hiện tại trường tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến để sớm hoàn thành chương trình năm học. Thầy Đặng Hà Kiếm Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết ở vùng nông thôn, việc triển khai dạy trực tuyến gặp nhiều khó khăn, do mạng internet chập chờn, một số HS không có điện thoại thông minh, HS là con em dân tộc nhiều... Dù vậy, nhà trường vẫn khắc phục mọi khó khăn để hoạt động dạy học tiếp tục được thực hiện. Tuy dạy trực tuyến, nhưng Ban giám hiệu vẫn quản lý được hoạt động dạy và học của thầy trò qua hệ thống Elearning, Vnedu connect, Vnedu teacher. Đối với những em không có điều kiện học trực tuyến, giáo viên photo tài liệu, giao bài tập cho HS. Những em điều kiện học còn khó khăn hoặc học tập chểnh mảng, thầy cô đến tận nhà tìm hiểu, giúp đỡ HS.

Mỗi trường có một cách làm riêng, cố gắng trang bị kiến thức cho HS một cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay. Với trường THPT Bến Cát (TX.Bến Cát), mỗi tuần nhà trường dành ra 4 buổi sáng để kiểm tra kiến thức HS qua câu hỏi trắc nghiệm ở 9 môn thi THPT quốc gia. Sau khi giải bài tập, các em có đáp án ngay, từ đó giáo viên nắm được năng lực học tập của từng em mà bổ sung thêm kiến thức. Nhà trường còn đưa lên trang web những nội dung ôn tập tóm tắt, HS có thắc mắc sẽ điện thoại hỏi trực tiếp giáo viên.

Tại trường THPT Dĩ An (TP.Dĩ An), nhà trường cũng cố gắng sớm hoàn thành chương trình lớp 12 để tập trung ôn thi THPT quốc gia cho HS. Trong quá trình tổ chức dạy trực tuyến, một vài HS do điều kiện gia đình khó khăn, nhà không có điện thoại, máy tính, mạng internet để học tập, nhà trường đã bố trí máy tính, phân công giáo viên tin học hướng dẫn các em này vào máy tính của nhà trường đ tham gia học trực tuyến. Thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những HS này khi đến trường bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách trên 2m.

Bảo đảm an toàn trong dạy học qua internet

Thời gian qua, các trường đã tích cực triển khai việc dạy học qua internet được HS, cha mẹ HS hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học, phòng họp trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua internet. Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết để khắc phục tình trạng này, các trường cần giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức học qua internet tin cậy, có uy tín; sử dụng phần mềm có bản quyền. Nhà trường xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là hành vi không được làm đối với người học. Ngoài ra, các trường nên tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua internet. Ngành mong muốn phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ HS kết nối, sử dụng phòng họp trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian HS tham gia học trực tuyến và sử dụng internet.

Bảo đảm an toàn trong dạy học trực tuyến, một số trường THPT có hình thức tổ chức, quản lý theo cách riêng, một trong số đó là trường THPT Dĩ An. Theo thầy Bùi Trọng Duy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường xây dựng cổng E-learning riêng tạo số lớp học ảo tương đương số lớp thực tế của trường. Ban giám hiệu căn cứ phân công giáo viên dạy lớp truyền thống để bố trí giáo viên vào các lớp học ảo. Do lần đầu tiên xây dựng cơ chế vận hành cổng e-learning với quy mô toàn trường, nên ban đầu còn lúng túng chưa đồng bộ, nay nhà trường đã khắc phục sau khi ban hành các hướng dẫn cụ thể cho giáo viên và HS. Và do xây dựng cổng dạy học trực tuyến riêng, trường không chỉ kiểm soát được hoạt động dạy học của thầy trò, mà còn có tính bảo mật cao, không bị quấy rối như khi sử dụng cổng dùng chung.

Lựa chọn tài liệu sử dụng giảng dạy trực tuyến phù hợp

Phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Thủ Dầu Một đã chỉ đạo các trường trong việc lựa chọn tài liệu để sử dụng dạy học qua internet, truyền hình.

Theo đó, nội dung dạy học phải phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng, tính sư phạm, tính nhân văn, tính thẩm mỹ, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh; không trái với thuần phong, mỹ tục, văn hóa, lịch sử Việt Nam; không có định kiến giới, phân biệt đối xử...

Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố cũng lưu ý các trường khi sử dụng hình ảnh, thông tin minh họa trên mạng internet, giáo viên cần bảo đảm bản quyền của hình ảnh và thông tin. Toàn bộ thông tin được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn, lành mạnh, phù hợp với độ tuổi học sinh. Giáo viên chỉ sử dụng hình ảnh, tài liệu từ các trang chính thống, bảo đảm đúng các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo chuyên môn của ngành.

HỒNG THÁI

 ÁNH SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X