Đề án 404: Hỗ trợ nữ công nhân có con nhỏ

Cập nhật: 16-11-2016 | 07:46:27

Toàn tỉnh hiện có hơn 900.000 công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), trong đó lao động nữ chiếm gần 60% (khoảng 20 - 30% có con nhỏ). Sau thời gian nghỉ thai sản, vấn đề CNLĐ lo lắng nhất là có điểm gửi con để yên tâm đi làm. Trước nhu cầu này, Bình Dương đang từng bước thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020’’ (gọi tắt là Đề án 404) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3-2014.

 CNLĐ rất mong có những điểm giữ trẻ bảo đảm để yên tâm sản xuất. Trong ảnh: Con CNLĐ vui chơi tại cơ sở giữ trẻ của Công ty TNHH Hài Mỹ

 Nỗi lo của CNLĐ

Sau giờ tăng ca, chị Nguyễn Thị Hòa, công nhân Công ty TNHH Nachita (TX.Dĩ An) mua vội gói thức ăn rồi tất bật về nhà với đứa con nhỏ mới gần 10 tháng tuổi. Chị chia sẻ, cả hai đứa con của chị đều đang nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc. Cháu lớn 3 tuổi được gửi về quê nội ở Thanh Hóa để đi học mầm non, bởi quanh đây không có chỗ gửi trẻ, trường tư thì học phí cao, lương công nhân không kham nổi.

Đối với chị Nguyễn Thị Lanh, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An khá lo lắng khi đi tìm điểm gửi con. Hết thời gian nghỉ thai sản thì ông bà nội, ngoại đã già yếu, không thể vào Bình Dương trông cháu, nên chị Lanh phải gửi con ở điểm giữ trẻ gần nhà. Thế nhưng, điểm giữ trẻ này nhận quá nhiều trẻ, cơ sở vật chất nhỏ, không đủ tiện nghi chăm sóc trẻ nên con chị hay bị bệnh. Thương con, chị phải xin nghỉ việc tại công ty để ở nhà chăm sóc con. Giờ đây, mọi gánh nặng đều dồn trên vai người chồng làm công nhân với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mức lương đó chỉ đủ chi tiền thuê trọ, điện nước, tiền ăn nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Chị đang đi tìm điểm giữ trẻ bảo đảm, giá rẻ để đi xin việc làm.

Có thể thấy, hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ ở các KCN rất lớn. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều đơn vị, cá nhân đã mở các cơ sở mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, nhóm trẻ gia đình, cơ sở giữ trẻ; trong đó có nhiều cơ sở nhận giữ trẻ chưa được cấp phép, không đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ...

Khởi động đề án

Trước nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ ngày càng nhiều, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án 404 “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020”. Đến tháng 5-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổng thể hoạt động kèm theo mức kinh phí truyền thông giai đoạn 2016-2020. Năm 2016, Ban chỉ đạo Đề án 404 của tỉnh cũng đã thành lập đoàn khảo sát đầu vào để chọn nhóm trẻ hỗ trợ kiện toàn. Qua đó cho thấy, nhiều cơ sở giữ trẻ tại các KCN chưa được cấp phép điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được theo quy định; thiếu đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học; không đủ số lượng giáo viên tối thiểu theo quy định.

Ngoài ra, Ban điều hành đề án còn chọn ra một số điểm xem xét hỗ trợ, mức dự trù hỗ trợ bình quân cho mỗi cơ sở nuôi giữ trẻ chưa có phép là 60 triệu đồng; đồng thời mở lớp truyền thông cho các bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi, tuyên truyền trên loa phát thanh; khảo sát tình hình tại các điểm giữ trẻ. Qua hoạt động khảo sát thực trạng các cơ sở nuôi giữ trẻ, Ban điều hành đã nhắc nhở các cơ sở nuôi giữ trẻ bảo đảm bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ... Các cơ sở phải cam kết đủ số lượng giáo viên, giáo viên đạt chuẩn, bảo mẫu phải được bồi dưỡng thì mới được hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Đề án 404 đi vào cuộc sống sẽ góp phần cùng địa phương hỗ trợ, kiện toàn phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực KCN, hỗ trợ nữ CNLĐ có con dưới 36 tháng tuổi gửi con được an toàn, giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống.

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên