Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản: Công nhân còn ít tiếp cận

Cập nhật: 21-12-2020 | 08:01:59

Bình Dương hiện có trên 1 triệu lao động; trong đó lao động nữ chiếm khoảng 56%. Do bận rộn làm việc và tăng ca, phần lớn lao động nữ chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), về lâu dài điều này ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của họ. Để đẩy mạnh chăm sóc SKSS cho lao động nữ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, liên tục của các sở, ngành liên quan.

 Nữ lao động còn ít tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

 Quan tâm hơn SKSS

Tại Bình Dương, lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lực lượng lao động làm việc tại các ngành thâm dụng lao động. Đặc biệt trong ngành da giày và dệt may, lực lượng lao động nữ chiếm khoảng 80%, chủ yếu là công nhân nhập cư có độ tuổi từ 15 - 28. Do điều kiện hạn chế, các nữ công nhân thường ít có điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin liên quan đến SKSS, dẫn đến hiểu biết hạn chế về các biện pháp tránh thai, tỷ lệ có thai ngoài ý muốn cao, không hiểu biết về các quyền mình được có trong quá trình thai sản và sinh đẻ.

Trường hợp của công nhân Bùi Thị Lan, quê Nghệ An là một ví dụ. Cách đây 5 năm, chị mang thai nhưng không may được 2 tháng thì thai bị hư. Vì nghĩ không có gì nghiêm trọng nên chị vẫn đi làm bình thường. Chị không biết rằng mình có quyền được nghỉ 20 ngày theo quy định nếu thai bị sẩy dưới 2 tháng tuổi. Chính sự thiếu hiểu biết đó đã khiến cho chị bị những biến chứng về sau mà việc khó có thai trở lại là rõ ràng nhất. Sau đó 2 năm, chị được các chuyên gia về SKSS đến công ty tư vấn, tuyên truyền và khám sức khỏe thì chị đã hiểu rõ và còn đọc vanh vách các quy định về các chế độ liên quan.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có cán bộ y tế có chuyên môn sâu về sản khoa. Việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân ở một số công ty chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều chương trình tổ chức khám, tư vấn còn mang tính hình thức. Công nhân không muốn sử dụng dịch vụ y tế của công ty. Khi có vấn đề về sức khỏe, họ thường tìm đến cơ sở chăm sóc sức khỏe bên ngoài. Thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc SKSS vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác truyền thông tại cộng đồng của đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu, mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS còn thiếu, việc thụ hưởng các dịch vụ y tế chưa kịp thời, đầy đủ nên ảnh hưởng đến SKSS của nữ công nhân.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết hiện nay việc đẩy mạnh cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ tại các ngành thâm dụng lao động, như da giày và dệt may có liên quan mật thiết đến cải thiện công tác chăm sóc SKSS cho họ. Đây là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này duy trì và nâng cao chất lượng lao động, từ đó ổn định sản xuất, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Cần sự phối hợp, chung tay

Theo đánh giá của ngành y tế, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của công nhân chưa thường xuyên dẫn đến một bộ phận người lao động thiếu kiến thức về SKSS, đối diện với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe. Thời gian qua, mặc dù Liên đoàn Lao động tỉnh, trung tâm chăm sóc SKSS, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, tư vấn nâng cao kiến thức về SKSS tại các khu, cụm công nghiệp, các khu nhà trọ công nhân nhưng các hoạt động này mới dừng lại ở tuyên truyền, cung cấp dịch vụ tại chỗ mà chưa triển khai cung cấp dịch vụ thường xuyên, ngoài giờ làm việc để công nhân dễ dàng tiếp cận. Khi số lượng công nhân vào tỉnh làm việc ngày càng tăng, đòi hỏi công tác chăm sóc SKSS phải được chú trọng hơn nữa.

Để làm tốt công tác này, theo ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay là cần tổ chức truyền thông, tư vấn trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho công nhân lao động di cư và cung ứng dịch vụ chăm sóc SKSS phù hợp với điều kiện sống và làm việc để họ dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng. Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố cần tập trung triển khai các gói dịch vụ chăm sóc SKSS hiện đại, phù hợp với thời gian làm việc để người lao động chủ động khám phụ khoa, nam khoa.

Cũng theo ông Hà, phòng y tế các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y tư nhân ở các cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình quanh khu nhà trọ, bảo đảm hoạt động đúng quy định và chất lượng dịch vụ; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Điều này rất cần sự phối hợp, vào cuộc của ngành y tế, tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên và chủ sử dụng lao động, nhất là hỗ trợ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, bố trí thời gian, kinh phí... nhằm tổ chức tốt hoạt động tư vấn, khám SKSS miễn phí.

 Hiện nay trên địa bàn tỉnh, đường lây nhiễm HIV/AIDS ở những người mắc mới chủ yếu qua đường tình dục và người ngoài tỉnh. Theo số liệu thống kê, có hơn 20 loại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, chỉ một lần quan hệ không an toàn sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh này. Hậu quả nặng nề của bệnh phụ khoa, nam khoa là gây nhiễm khuẩn đường sinh dục, vô sinh, đẻ non, thai chết lưu, lây nhiễm bệnh cho con, suy giảm sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên