Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất: Đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà

Cập nhật: 10-12-2015 | 08:46:27

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải lồng ghép với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm đưa ra phương án sử dụng đất phù hợp với kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; đồng thời, bố trí quy hoạch sử dụng tài nguyên đất phải được thực hiện theo quan điểm hệ thống, tổng hợp và đa ngành để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020..., lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận định.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, phương án điểu chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của tỉnh Bình Dương; quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; nhu cầu sử dụng đất của các ngành và địa phương; tiềm năng đất đai; cân đối và xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020. Trong đó, về nhu cầu sử dụng đất, theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương và các dự án đất ở có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, kết hợp với quan điểm và mục tiêu phát triển, tổng diện tích đất ở đến năm 2020 sẽ tăng lên 17.920 ha. Cụ thể, đất ở tại đô thị 12.597 ha, tăng 5.854 ha; đất ở tại nông thôn 5.323 ha, tăng 2.572 ha.

Song song đó, phương án sử dụng đất đến năm 2020 cũng đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho từng ngành, lĩnh vực, từng vùng mà đặc biệt là cho các ngành động lực như công nghiệp, dịch vụ và các khu vực có tốc độ cao về phát triển và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với phát triển đô thị theo từng khu chức năng như khu đô thị trung tâm, đô thị phía Nam, đô thị vệ tinh của tỉnh. Theo đó, đất xây dựng cơ sở hạ tầng tăng 6.407 ha, chiếm 22% diện tích tăng thêm của đất phi nông nghiệp; trong đó, đất giao thông tăng 3.324 ha, đất giáo dục tăng thêm khoảng 1.355 ha, chú trọng đến đất xây dựng các trường đại học, cao đẳng ở các đô thị. Cùng với đó là các tuyến giao thông trục Bắc - Nam kết nối với Bình Phước và Tây nguyên, tuyến Đông Tây kết nối với Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh và Capuchia; đất công nghiệp tăng hơn 6.345 ha, sẽ hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao… tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hơn nữa, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao, nhất là việc chuyển diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển các khu đô thị, dịch vụ, xây dựng các trường đại học, khu và cụm công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng nguồn thu ngân sách từ giao đất, chuyển mục đích sử dụng, chuyển quyền sử dụng đất, thuế đất phi nông nghiệp và các khoản thuế liên quan đến thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Riêng đất nông nghiệp giảm khoảng 25.000 ha sang đất phi nông nghiệp. Do vậy, Bình Dương sẽ xúc tiến mạnh mẽ phát triển mạnh nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư theo chiều sâu cho phát triển nông nghiệp (xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích; sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới so với lộ trình chung của cả nước. Ngoài ra, do đất sản xuất nông nghiệp giảm khoảng 25.000 ha, Bình Dương còn quan tâm giải quyết việc làm và đất sản xuất cho các hộ dân nằm trong khu vực bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đất giáo dục tăng 1.355 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên khoảng 80% vào năm 2020, hàng năm giải quyết khoảng 40.000 lao động.

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, quy hoạch các ngành, nhu cầu sử dụng đất các huyện, thị, thành phố, nguồn lực đầu tư…, kế hoạch sử dụng đất hàng năm kỳ cuối (2016-2020) theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cụ thể như: Về chỉ tiêu quy hoạch đất lúa, theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP, phương án quy hoạch đất chuyên trồng lúa nước là 3.000 ha. Tuy nhiên, việc vận động người dân duy trì diện tích đất trồng lúa hiện nay đã gặp rất nhiều khó khăn nên phương án cải tạo 1.465 ha đất lúa một vụ sang đất chuyên trồng lúa nước để bảo đảm số liệu 3.000 ha đất lúa theo chỉ tiêu phân khai của Chính phủ là không khả thi… Từ các lý do này, điều chỉnh diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh chỉ khoanh định lại những vùng sản xuất lúa thực sự có hiệu quả và có hệ thống thủy lợi bảo đảm cho việc trồng lúa với tổng diện tích khoảng 2.500 ha, trong đó diện tích đất chuyên trồng lúa nước khoảng 939 ha.

Đối với chỉ tiêu đất khu công nghiệp (KCN), theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP thì chỉ tiêu đất KCN đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 36 KCN với diện tích 13.919 ha; tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các KCN, thống kê diện tích thực tế của các KCN trong danh mục Nghị quyết số 78/NQ-CP là 13.521 ha, gồm 28 KCN hiện hữu, loại khỏi danh mục quy hoạch KCN 4 KCN (Vĩnh Hiệp, Thường Tân, Long Hòa, Minh Thạnh), bổ sung thêm 2 KCN (Riverside ISC, Tân Lập II), dự kiến quy hoạch 34 KCN với tổng diện tích đến năm 2020 là 15.556 ha. Kết quả thực hiện quy hoạch đất KCN, diện tích đất KCN thực hiện theo quy hoạch đến năm 2015 là 9.408 ha, tăng 650 ha so với năm 2010. Tuy nhiên, theo thống kê (tính đến tháng 7-2015), trong tổng số 9.408 ha, tỷ lệ lấp đầy là 65%. Qua tổng hợp nhu cầu phát triển công nghiệp của các doanh nghiệp có đơn đăng ký nhu cầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nhu cầu phát triển công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 15.556 ha, tăng thêm 2.034 ha so với chỉ tiêu đất KCN được duyệt theo Nghị quyết số 78/NQ-CP. Quy hoạch đất KCN đến năm 2020, cơ bản vẫn kế thừa danh mục đất KCN được phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP, chỉ loại khỏi danh mục 4 KCN, mở rộng 7 KCN, xây mới 2 KCN.

Về chỉ tiêu đất ở tại đô thị, theo Nghị quyết số 78/NQ-CP, đất ở tại đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 được phê duyệt là 6.605 ha. Tuy nhiên, Báo cáo số 51/ BC-UBND của UBND tỉnh đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch diện tích đất ở tại đô thị đến năm 2020 toàn tỉnh là 10.143 ha, tăng 3.490 ha. Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2020 phải bảo đảm diện tích nhà ở bình quân thuộc khu vực đô thị là 25m2/người, với dự báo dân số đến năm 2020 khu vực đô thị là 2,5 triệu người, thì nhu cầu đất ở tại đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được xác định là 12.597 ha là hoàn toàn phù hợp.

 

 P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=445
Quay lên trên