Doanh nghiệp Việt cần quan tâm thị trường Việt!

Cập nhật: 04-12-2012 | 00:00:00

Bài học từ Thiên Nam

Dệt may là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Nghịch lý ở chỗ là nước xuất khẩu dệt may mạnh nhưng nhìn chung lĩnh vực phụ trợ cho ngành dệt may như tơ, xơ, sợi nhiều năm liền vừa thiếu, lại vừa yếu nên phải nhập khẩu là chính. Vì vậy, giá trị thực thu từ ngành này không cao và thực chất vẫn “lấy công làm lời” là chính. Thấy được tiềm năng đó, năm 2001, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) tại Bình Dương đã đầu tư nhà máy sợi phục vụ nhu cầu dệt may trong nước. Qua 11 năm phát triển, thương hiệu sợi Thiên Nam đã dần khẳng định tên tuổi trong ngành kéo sợi. Đến nay, công ty có đến 4 nhà máy ở Bình Dương với năng lực gần 150.000 cọc sợi, hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 25.000 tấn sợi các loại với tổng doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng.   Đưa hàng Việt về nông thôn cũng là cách tiếp cận thị trường hiệu quả của các DN nhựa

Sự phát triển của Thiên Nam góp phần tạo dựng thương hiệu sợi “Madein Vietnam”. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may Việt Nam và tạo dựng hình ảnh thương hiệu Việt ở thị trường trong và ngoài nước. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, sợi Thiên Nam còn xuất khẩu phục vụ các thị trường tên tuổi như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin, Đài Loan… với sự tín nhiệm cao về chất lượng. Đánh giá về sợi Thiên Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định, hướng đầu tư vào ngành sợi của Công ty Thiên Nam đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sợi Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thứ trưởng cũng cho rằng, 11 năm phát triển của Thiên Nam trong lĩnh vực sản xuất sợi với 4 nhà máy như hiện nay có ý nghĩa thiết thực đối với ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; qua đó góp phần gia tăng khả năng nội địa hóa cho ngành dệt may lên 60% như định hướng mà Bộ Công Thương đã đề ra trong thời gian tới.

Vẫn còn những nghịch lý

Nếu như sợi Thiên Nam chọn hướng đi “trong trước, ngoài sau”, vững mạnh ở thị trường trong nước trước khi vươn ra thế giới thì ở nhiều lĩnh vực, một số DN có hướng “ngoài trước, trong sau”, khẳng định ở thị trường xuất khẩu trước rồi chuyển hướng tăng dần ở thị trường nội địa và cũng rất thành công. Kể lại câu chuyện phát triển thị trường trong nước, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty THNH Minh Long I, cho biết trước đây sản phẩm của công ty chủ yếu dành để xuất khẩu. Từ năm 1996 đến nay, tỷ trọng hàng hóa của Minh Long I ở thị trường nội địa liên tục tăng nhanh và đến nay đã chiếm đến khoảng 70% lượng sản phẩm sản xuất ra. Thành công nhất của Minh Long I là chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng (NTD), nhận diện được thương hiệu Việt ở thị trường Việt. Hiện nay, chỉ nói đến Minh Long I thì người tiêu dùng trong nước đã nghĩ ngay đó là mặt hàng gốm sứ. Cũng trong lĩnh vực gốm sứ, sản phẩm của Công ty Cường Phát thời gian qua cũng được NTD trong nước ưa chuộng, thông qua kênh siêu thị và các cửa hàng phân phối sản phẩm Cường Phát với khẩu hiệu “Tôn vinh bản sắc Việt”. Điều này đã giúp sản phẩm của Cường Phát hiện diện ở thị trường nội địa và tạo niềm tin vững chắc trong lòng NTD.

“Theo tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, mức độ tiêu dùng sản phẩm của thị trường nội địa là rất tốt, tuy nhiên chinh phục thị trường nội địa chưa bao giờ là đơn giản đối với DN, cho dù thị trường này rất tiềm năng. Nếu xét kỹ “sân nhà” với các lợi thế về hiểu biết tập quán tiêu dùng thì chắc chắn ưu thế không phải nhỏ, nếu biết tận dụng vào lợi thế về văn hóa, lịch sử, truyền thống cũng như là tập quán mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam thì DN sẽ chiếm được ưu thế ở thị trường nội địa.”

Làm được như sợi Thiên Nam, Minh Long và Cường Phát trong ngành gốm sứ là điều quá tốt. Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều mặt hàng chủ lực của DN trong nước quá chú trọng vào thị trường xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường nội địa. Cụ thể như ngành gỗ, trong khi Việt Nam là nước chế biến gỗ hàng đầu và xuất khẩu mạnh vào châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… nhưng thị trường nội địa lại bị bỏ ngỏ. Ngay tại Bình Dương, dù là địa phương có ngành gỗ mạnh nhất nước nhưng sản phẩm bán tại nội địa chẳng có mấy DN tham gia. Ngoài một số cửa hàng của Trường Thành và Hoàng Anh Gia Lai đến từ Tây nguyên thì sản phẩm gỗ bán tại thị trường nội địa chủ yếu vẫn là của các cơ sở mộc thủ công gia đình. Trong khi đó, NTD muốn tìm mua sản phẩm gỗ đến từ Ý, Mỹ, Đài Loan, Pháp… thì dễ như mua rau. Nhìn ra cả nước, vì DN gỗ chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa nên Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho rằng, hiện chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của DN Việt, còn lại 80% thuộc về các sản phẩm có xuất xứ của các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…

Đã đến lúc các DN trong nước cần quan tâm hơn thị trường nội địa và xem thị trường nội địa là kênh quan trọng để tiêu thụ hàng hóa, giảm áp lực quá lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu cũng như giảm bớt sự bấp bênh. Dưới góc nhìn của DN, nêu lên chính kiến của mình, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên, cho rằng các DN nước ngoài còn đang dự định mở trung tâm thương mại, trưng bày và giới thiệu sản phẩm của họ để thúc đẩy việc đưa hàng vào Việt Nam. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải nhanh chóng nghĩ đến chiến lược quay về thị trường nội địa trước khi quá muộn!

 VỆ GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên