Những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã phát động toàn ngành thực hiện “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Hưởng ứng chủ đề trên, từng đơn vị, trường học đã xem đây là công việc cần thực hiện xuyên suốt trong từng năm học.
Những giáo viên đoạt giải tại Hội thi giáo viên giỏi giải thưởng Võ Minh Đức năm học 2014-2015
Đổi mới quản lý chính là cụ thể hóa một trong những nội dung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, từ năm học 2013-2014, ngành tập trung sâu vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đối với toàn ngành. Để nâng cao chất lượng một cách hiệu quả và bền vững, ngành tiếp tục củng cố bộ máy quản lý, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ. Về công tác bổ nhiệm, đội ngũ cán bộ quản lý được bổ sung, thay thế nhằm đáp ứng sự phát triển không ngừng của các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, ngành tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó có đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Để có chất lượng thật, sở đã chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới về công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá học sinh.
Với vai trò chỉ đạo, điều hành, sở đã chỉ đạo các trường quản lý chặt chẽ kỷ cương, nề nếp dạy và học. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học. Thông qua thao giảng, dự giờ giáo viên trao đổi, học tập kinh nghiệm trong giảng dạy, nâng cao năng lực chuyên môn; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, tích cực tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ giáo viên. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, các trường đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo thực hiện vận dụng, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; chỉ đạo dạy học phân hóa theo năng lực học sinh; thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới dạy học…
Thực hiện đổi mới thực chất, từng trường đã vận dụng linh hoạt tùy theo đặc điểm của mỗi trường. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An) cho biết, nhà trường đã có những giải pháp quản lý nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng. Nhà trường phân công giáo viên theo năng lực chuyên môn; xây dựng các trụ cột chuyên môn là các tổ trưởng, quan tâm bồi dưỡng giáo viên về mọi mặt. Nhà trường còn thực hiện dạy thêm - học thêm tại trường; thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh; khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc; quản lý nề nếp dạy và học.
Với trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), nhà trường đã và đang thực hiện 9 giải pháp về công tác quản lý. Nhờ thực hiện kiên quyết, chất lượng giáo dục ở ngôi trường này được giữ vững. Riêng trong năm học vừa qua, nhiều học sinh của trường đoạt giải ở các kỳ thi Olympic do bộ và Sở GD-ĐT tổ chức, 99,65% học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia, 72,89% học sinh thi đậu đại học.
Tại trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo), những năm qua chất lượng giáo dục được giữ vững, đó là nhờ Ban giám hiệu đã thể hiện được vai trò quản lý, điều hành hoạt động. Nhà trường đã xây dựng nhận thức, tạo sự đồng thuận trong giáo viên và học sinh. Xây dựng nề nếp, trật tự trong nhà trường. Tập trung tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong giảng dạy, Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá…
Bà Nguyễn Hồng Sáng cho biết thêm, trong năm học 2015- 2016, sở tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đối với các phòng GD-ĐT, các trường THCS, THPT theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản lý nhà trường. Các trường cần thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, những phong trào thi đua của ngành bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả.
A.SÁNG