Giải nhiệt với nước uống lề đường: Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm

Cập nhật: 12-04-2010 | 00:00:00

Thời tiết nắng nóng, các loại nước giải khát trên thị trường được tiêu thụ rất mạnh. Các xe nước giải khát lề đường cũng vì thế mà đua nhau mọc lên như nấm. Sự coi thường sức khỏe của bản thân cộng với sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, nhiều người tiêu dùng đang tự rước họa vào thân từ những loại nước uống không rõ nguồn gốc này.

Nước uống lề đường có mặt ở khắp nơi trong những ngày nắng nóngUống cho thỏa cơn khát

Vừa tan trường, khi những em học sinh (HS) ùa ra như bầy ong vỡ tổ thì cũng là lúc chị Tư L., chủ xe nước sâm lạnh, si-rô, rong biển trước cổng trường THPT Đ. (Thuận An) trở tay không kịp. Chỉ loáng một cái, chị đã bán được mấy chục ly nước. Trời nóng, chị lại càng bán được nhiều. Không chỉ có HS mà ngay cả những người lớn cũng tấp vào mua nước sâm, nước mía... để uống cho thỏa cơn khát. Trong những ngày nắng nóng, ở bất cứ ngả đường nào người ta cũng gặp các xe nước giải khát di động. Từ nước sâm, nước mía, nước dừa, nước rau má... nước gì cũng có. Giá mỗi ly chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng. Đoạn đường từ Suối Cát về đến Khu công nghiệp (KCN) VSIP, đoạn từâ cầu Ông Bố đến ngã tư 550, đoạn từ ngã tư Bình Chuẩn đến miếu Ông Cù... trên mỗi đoạn đường này, chúng tôi có thể đếm đến mấy chục chiếc xe nước giải khát kiểu này. Nắng nóng, bụi bặm lại rất đông xe tải, xe container qua lại là thế mà ở những xe nước giải khát lề đường này vẫn rất đông người ghé lại. Khách hàng của họ có một số là những người đi đường nhưng phần lớn vẫn là cánh tài xế hoặc công nhân trong KCN. Nắng nóng nên ai cũng muốn ghé vào làm một ly nước sâm cho thỏa cơn khát. Chỉ với 2.000 đồng thôi là cũng đã khát rồi.

Trong vai một người vào uống nước, chúng tôi mới thấy hết được nỗi kinh hoàng của nước uống lề đường. Tại một xe nước mía gần KCN Sóng Thần, người bán là một chị phụ nữ hơn 40 tuổi, bịt kín mít từ đầu đến chân, trên chiếc khay nhựa màu đỏ, ly cốc bụi bẩn, đen nhẻm dính bên bết vào nhau, còn ngay chỗ xay nước mía nhìn còn hãi hơn, chiếc khăn được đậy sơ sài lên đen thùi lùi, đầy ruồi nhặng. Đã vậy, trong cái thau đựng nước mía còn một ít nước mía còn dư cũng bị ruồi tấn công dày đặc. Tôi hỏi chị bán ở đây có đông khách không, chị bảo: “Trời nắng nóng như thế này thì mỗi ngày chị cũng bán được vài trăm ly, chủ yếu là mấy ông tài xế ghé uống để giải nhiệt”. Còn tại một xe bán nước sâm lạnh ở gần KCN Đồng An cũng không kém phần tấp nập. Chị chủ và cô con gái đứng bên hai cái bình rất to ghi chữ Sâm lạnh 2.000 đồng/ly. Một thanh niên ghé vào uống nước cho biết: “Chỉ 2.000 đồng/ly uống vừa đã khát lại vừa rẻ, chứ vào quán mà kêu một ly nước uống cho đã khát thì ít nhất cũng phải mất 10.000 đồng chứ chẳng ít. Trong khi thời tiết oi bức, nắng nóng như thế này thì mỗi ngày tôi phải uống đến 5 ly”.

Cẩn thận với nước giải khát lề đường

Tại các cổng trường học, loại thức uống lề đường này cũng thu hút rất đông đảo HS. Ở bất cứ cổng trường học nào cũng thấy hàng chục xe nước giải khát với các loại nước như chanh dây, nước tắc, nước cam, dâu được pha sẵn. Thậm chí những người bán hàng này còn đi cả xe đạp, đằng sau xe là những bình đủ loại nước như me, xí muội, trà sữa trân châu, si-rô... Mỗi ly nước như vậy chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng nên quanh các xe lúc nào cũng có các em HS vây kín.

Không riêng gì ở đây, các trường học khác cũng tương tự như thế. Một số trường có căng-tin khá vệ sinh nhưng số đông các em chọn ăn vặt là những quán lề đường với những xe đẩy lưu động. Tuy nhiên, khi quan sát những chiếc xe bán lưu động này ta thấy ngay chúng không được chế biến vệ sinh. Nguồn nước để chế biến chỉ là những cái xô chứa sẵn nước để trong lòng xe, mía được róc vỏ sẵn ruồi nhặng bay đầy, các thùng nước sâm chất đầy dưới mặt đất cứ chốc chốc lại được người bán hàng châm thêm vào thùng phía trên để rót bán cho HS...

Tại các KCN, để đỡ hối hả trong lúc công nhân tan ca, những chủ xe nước giải khát này còn đóng bịch sẵn. Nước mía muốn bảo đảm vệ sinh thì phải xay ra uống liền, nhưng với giải pháp nhanh, gọn và phương châm “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” thì những người bán hàng rong này xay sẵn nước mía từ trước đó mấy tiếng đồng hồ, thậm chí cả thau nước mía còn dư lại từ sáng cũng được để dồn vào một cái xô nhựa rồi cứ thế múc bán cho công nhân khi họ ra ca. Hỏi một anh chủ xe nước mía ngay trước cổng Công ty Giày Thái Bình tại xã Bình Hòa, Thuận An sao lại xay sẵn như thế thì anh trả lời rất tỉnh bơ: “Không làm vậy thì chút nữa chạy không kịp. Trời nóng, ai cũng háu nước nên nước mía ở đây bán chạy lắm. Khu vực này có gần chục xe vậy đấy mà đến giờ tan ca vẫn xoay không kịp thở”. Kết quả là không ít người bị đau bụng phải nhập viện vì uống phải thứ nước mía kiểu này.

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu giải khát tăng cao là lẽ đương nhiên. Nhưng do khó có thể kiểm tra và xử lý triệt để, nên loại nước giải khát lề đường vẫn đang là nỗi lo ngại của các ngành chức năng. Loại nước giải khát vỉa hè này không công bố chất lượng nên tùy thuộc vào cái tâm của người bán. Ở những chỗ bán nước kiểu này phần lớn rất mất vệ sinh, ly uống nước chỉ được tráng qua loa nên tạo điều kiện để lây bệnh nhất là các bệnh truyền nhiễm và các bệnh về đường tiêu hóa. Đã đến lúc người tiêu dùng cần phải biết tự tẩy chay với các loại nước uống lề đường này. Dù biết người bán là những người vi phạm nhưng chính những người tiêu dùng cũng đã vô tình tiếp tay cho họ ngày càng coi thường tính mạng của người khác. Mỗi người chúng ta hãy là những người tiêu dùng thông minh để tẩy chay những loại thực phẩm đường phố mất an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình và mọi người.

HỒ NGỌC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên