Giáo dục Bình Dương phát triển: Đội ngũ nhà giáo tận tụy, yêu nghề

Cập nhật: 19-11-2012 | 00:00:00

Nếu tính mốc từ sau ngày giải phóng đến nay thì giáo dục cả nước nói chung đã trải qua 37 năm. Thời gian đủ để chiêm nghiệm lại quá trình phát triển của sự nghiệp trồng người. Riêng tại Bình Dương, sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà đã có sự phát triển vượt bậc. Trường lớp ngày càng khang trang, đội ngũ nhà giáo tận tâm, có năng lực dạy học, quản lý tốt, chất lượng giáo dục đi vào thực chất và được nâng dần hàng năm.

Những nhà giáo đã gắn bó với sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà trong mấy mươi năm qua hẳn không quên những ngày đầu mới tiếp quản. Từ cơ sở vật chất trường lớp do chế độ cũ để lại; tiểu ban giáo dục đã nhanh chóng cải tạo cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên cấp tốc, chuẩn bị khai giảng năm học đầu tiên 1975-1976. Trong 2 năm, trường sư phạm cấp tốc của tỉnh đào tạo hơn 500 giáo viên, phần lớn được điều về các huyện phía bắc của tỉnh, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ở những nơi trường chưa xây kịp, giáo viên cùng với phụ huynh vô rừng chặt cây, cắt tranh xây dựng trường, sau đó đến từng nhà vận động học sinh ra lớp. Có thể nói, ở thời điểm giao thoa này, điều kiện công tác, sinh hoạt của giáo viên rất khó khăn, nếu không có lòng yêu nghề thì khó bám trụ được. Cô Nguyễn Thị Lệ My, cựu giáo chức ở huyện Phú Giáo, bồi hồi nhớ lại: “Gian nan nhất là những giáo viên ở phía nam lên công tác ở phía bắc. Các thầy cô tự dựng nhà để ở hoặc ở tạm văn phòng ủy ban, trạm y tế. Cái ăn cũng thiếu thốn, phải ăn độn thêm khoai lang, khoai mì, vậy mà các nhà giáo vẫn miệt mài với phấn trắng bảng đen”.  

Giáo viên tận tụy, vì học sinh thân yêu

Là người gắn bó với ngành GD-ĐT từ những ngày đầu mới giải phóng, ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT vẫn còn nhớ như in bước phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà. Ông cho biết, giai đoạn 1976-1980, ngành GD-ĐT Sông Bé đã đầu tư xây dựng 347 phòng học mới. Cùng với phát triển mạng lưới trường lớp phổ thông, ngành học mẫu giáo, trường sư phạm được hình thành. Từ sự cố gắng đầu tư cho giáo dục, đến năm 1985 tỉnh có 58 trường mẫu giáo, 164 trường phổ thông cơ sở, 22 trường phổ thông trung học. Do đã có trường sư phạm, số giáo viên tăng lên thêm 40,8%, từ đó các trường dần dần giải được bài toán thiếu giáo viên. Đâu chỉ tăng về số lượng, chất lượng giáo dục được ngành quan tâm phát triển. Riêng trong năm học này, nhiều giáo viên phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, với 37 giáo viên giỏi cấp tỉnh, gần 200 giáo viên giỏi cấp huyện, thị.

Theo thời gian, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà tiếp tục phát triển. Năm 1996 có 4/9 huyện, thị và 110/141 xã phường, thị trấn được công nhận xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp được sắp xếp lại và nâng cấp. Và từ khi tách tỉnh, Bình Dương có điều kiện chăm lo nhiều hơn cho giáo dục. Giờ đây, trường học đã được kiên cố hóa ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Ở những xã xa xôi của các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, trường học lầu hóa đã hiện diện khắp mọi nơi, khoảng cách giáo dục dần được rút ngắn. Tính đến năm học 2011-2012, mạng lưới trường lớp đã có phát triển vượt bậc, toàn tỉnh có 440 đơn vị, trường học (trong đó có 104 trường tư thục). Hiện nay 100% trường học đã được kiên cố hóa, 56,34% trường được lầu hóa, có 124 trường đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng giáo dục cũng được ngành quan tâm đầu tư. Chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ ở bậc mầm non được quan tâm, chất lượng giáo dục tiểu học tiếp tục ổn định, qua cuộc vận động “hai không”, chất lượng bậc THPT và bổ túc THPT đã thể hiện kết quả thực chất và nâng dần theo hàng năm, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng được cải thiện. Riêng năm học 2011-2012 có 99% học sinh tốt nghiệp THTP, 67,6% học sinh thi đậu đại học - cao đẳng. Tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với học sinh, các thầy cô giáo tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ các cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã đem lại những chuyển biến về chất lượng trong toàn ngành, đồng thời nâng cao được đạo đức, nhân cách nhà giáo.

- Ông HÀ MINH CẢNH (Mười Nghĩa), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé, Trưởng ban điều hành giáo dục tỉnh những năm 1975-1976: Quan tâm giáo dục đạo đức học sinh

Dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng tôi vẫn dõi theo bước phát triển của sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà. Tôi rất mừng khi trường lớp trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, chất lượng giáo dục đạt nhiều thành tích khả quan. Nhưng ngành cũng cần xem lại nội dung giảng dạy, chương trình học quá nặng. Có phải vì lý do này mà học sinh bây giờ học qua vài tháng đã quên những kiến thức trước đó, trong khi thời trước chúng tôi có thể dạy lại những học sinh cách mình một vài lớp. Thêm nữa, điều tôi lo lắng hiện nay là đạo đức học sinh xuống cấp so với trước. Ngày xưa lớp trẻ chúng tôi ra đường găp người lớn ngả mũ chào, nhường đường cho người lớn đi qua, còn bây giờ đó là điều xa lạ đối với nhiều cháu. Vậy thì xã hội, gia đình, nhà trường phải thể hiện trách nhiệm như thế nào trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh?

- Ông NGUYỄN ĐỨC DANH, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT giai đoạn 1981-1991: Giáo viên nhiệt tình, tận tụy

Thời điểm năm 1981-1991, giáo dục Sông Bé đã phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Nhưng cái khó trong giai đoạn này là đội ngũ giáo viên. Người có trình độ lớp 12 rất ít nên công tác tuyển sinh, đào tạo giáo viên rất gay go, có bao nhiêu người dự thi trường sư phạm đều nhận hết. Đời sống nhà giáo lúc này rất khó khăn, nhưng thầy cô rất nhiệt tình, ban ngày dạy ở trường phổ thông, đêm dạy các lớp bổ túc, cực nhọc vô cùng vậy mà họ vẫn bám trường bám lớp. Do đó, dù giáo viên còn thiếu nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng thời đó.

- Giám đốc Sở GD-ĐT DƯƠNG THẾ PHƯƠNG: Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo được quan tâm hơn

Nhìn lại chặng đường từ sau giải phóng cho đến nay, giáo dục Bình Dương hiện nay có những điều kiện thuận lợi hơn nhiều, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, rộng rãi. Lương và các chế độ chính sách cho nhà giáo đã và đang được cải thiện. Mặc dù có thêm những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi toàn ngành, đặc biệt là cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiêp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo, hết lòng vì học sinh thân yêu.

  H.THÁI - HỒ NGỌC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X