Giao thông phát triển mạnh- Kỳ 2

Cập nhật: 31-07-2015 | 09:53:14

Kỳ 2: Những cách làm mới hiệu quả

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2009 đến nay, phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) - chỉnh trang đô thị (CTĐT) ở Bình Dương đã thực hiện được trên 2.100 công trình với gần 1.250km đường các loại, góp phần kết nối liên hoàn giữa hệ thống giao thông trong khu - ấp vào mạng lưới giao thông của tỉnh, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hệ thống giao thông quốc gia. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đã có nhiều địa phương tìm tòi sáng tạo ra những cách làm mới giúp giảm chi phí đầu tư, tăng tuổi thọ công trình và tạo điều kiện để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

 

Tuyến đường tạo lực của huyện Bắc Tân Uyên sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình đô thị hóa, đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh

 

Làm GTNT để tiến lên đô thị

Để thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng GTNT - CTĐT, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo các chủ trương bằng cách lồng ghép phong trào vào các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp - đô thị hóa nông thôn để đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Cụ thể hóa cho cách làm này, ngày 16-12-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3247/QĐ- UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Quyết định trên quy định: Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống GTNT phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết liên hoàn thông suốt từ hệ thống giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã; giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các khu, cụm công nghiệp chế biến; giữa sản xuất chế biến và tiêu thụ; đồng thời kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong phát triển GTNT phải quán triệt và thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Theo tinh thần của quyết định này thì từ nay trở đi, các công trình GTNT được làm mới, kể cả hệ thống đường xã được đề xuất quy hoạch đường cấp VI, có mặt đường rộng 5,5m, nền đường rộng 8,5m, lề đường mỗi bên rộng 1,5m với lề gia cố 1,5m, hàng lang bảo vệ đối với đường mỗi bên 4m, lộ giới 20m…

Nhiều cách làm sáng tạo

Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên phấn khởi cho biết, từ năm 2009-2013, Tân Uyên đã thực hiện được 149 công trình GTNT với chiều dài trên 380km, trị giá khoảng 98 tỷ đồng. Với kinh phí trên mà được số lượng công trình như thế này là quá tốt, chưa kể hiệu quả phục vụ dân sinh. Cách làm của Tân Uyên được ông Tươi chia sẻ: TX.Tân Uyên đang trong giai đoạn phát triển đô thị, rút kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện phong trào GTNT - CTĐT của tỉnh, Tân Uyên vận dụng vào việc quy hoạch, thực hiện các công trình mới theo tiêu chí bảo đảm mặt đường đủ rộng, đồng bộ với các công trình hạ tầng khác như cấp thoát nước, đèn chiếu sáng… bằng cách gắn hệ thống GTNT vào trong quy hoạch chung rồi phân kỳ thực hiện, chứ không nôn nóng. Theo đó, thị xã thực hiện giải phóng mặt bằng đủ chuẩn trước, sau đó thực hiện bằng kết cấu đơn giản như cấp phối, sỏi đỏ, đến khi đủ điều kiện sẽ thực hiện nhựa hóa gắn với đồng bộ hóa các hạng mục khác. Nhờ được tính toán, phân kỳ đầu tư thực hiện hợp lý, khoa học đã giúp Tân Uyên chuyển mình đô thị hóa nhanh.

Còn tại huyện Dầu Tiếng, để tiết kiệm kinh phí, bảo đảm công trình đạt chuẩn, địa phương đã quán triệt tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện các công trình GTNT. Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng chia sẻ, với các loại vật liệu truyền thống như sỏi đỏ, đá, xi măng các loại để thi công đường GTNT vừa đắt tiền vừa không sử dụng hết giá trị, gây lãng phí. Ví dụ như san lấp mặt bằng tạm thời trong vài năm thì không cần phải sử dụng vật liệu nặng mà chỉ cần loại vật liệu phù hợp sẵn có tại mỗi địa phương… Tinh thần này đã được nhân dân phát huy để hình thành các tuyến đường GTNT trong những năm đầu trước khi được nhựa hóa, bê tông hóa.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng

Bắc Tân Uyên là huyện mới được tách ra từ huyện Tân Uyên trước đây. Huyện đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nhằm giúp địa phương đuổi kịp tốc độ phát triển chung của tỉnh. Hiện tại, các khu chức năng như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà ở, khu dân cư, tái định cư… đều đã được quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025; Quy hoạch trung tâm hành chính và khu tái định cư huyện mới Bắc Tân Uyên; Quy hoạch các khu nhà ở thương mại, khu dân cư, tái định cư; Quy hoạch 10 xã nông thôn mới…

Toàn huyện Bắc Tân Uyên hiện có 494 tuyến đường với tổng chiều dài 535km. Trong đó, đường tỉnh có 4 tuyến với tổng chiều dài 73km, đường huyện có 10 tuyến với tổng chiều dài 59km và 11 cầu bê tông cốt thép. Hạ tầng giao thông cơ bản phục vụ tốt nhu cầu dân sinh; tỷ lệ nhựa hóa chiếm 26,7%, còn lại là sỏi đỏ và đường đất. Bên cạnh đó, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đường tạo lực quan trọng của Bình Dương qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, nối huyện Bắc Tân Uyên với TX.Tân Uyên và các huyện, thị, thành phố lân cận.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết, trong thời gian tới, Bắc Tân Uyên sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 một cách đồng bộ, bền vững và toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp đi đôi với phát triển dịch vụ, đô thị và các khu dân cư theo quy hoạch; từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; cùng với đó ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ theo hướng hiện đại; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội bền vững.. .

 

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 2.102 công trình với tổng chiều dài 1.249km, tổng vốn đầu tư 1.530 tỷ đồng; trong đó huy động nhân dân bằng tiền mặt, hiến đất và công trình kiến trúc là 211,79 tỷ đồng. Quy mô, chất lượng đầu tư các công trình GTNT - CTĐT từng bước được nâng lên. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa chiếm 47,6% công trình giao thông đã góp phần quan trọng vào việc cải tạo bộ mặt đô thị của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tăng cường việc kết nối giữa nông thôn với thành thị, đồng thời làm nền tảng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  

 

 

Kỳ cuối: Rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn

 

 

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên