Hệ thống bán lẻ chủ động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

Cập nhật: 09-01-2023 | 08:14:06

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Thuận An đã dành nguồn vốn 1.184 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa với số lượng dồi dào, đa dạng chủng loại, giá cả bình ổn. Trong đó, trước, trong và sau Tết Nguyên đán là 772,49 tỷ đồng, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến…

 Hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh tích cực chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Trong ảnh: Cửa hàng Bách hóa xanh tại khu phố Bình Quới, phường Bình Chuẩn

Tham gia chương trình bình ổn thị trường, Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (Siêu thị Lotte Mart Bình Dương) dự trữ hàng hóa với tổng giá trị là 356,8 tỷ đồng, trong đó, lượng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết 93,6 tỷ đồng.

Ông Lê Trung Hòa, Giám đốc siêu thị Lotte Mart Bình Dương, cho biết năm nay, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết đã được chuẩn bị từ sớm. Siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Trước đó, Lotte Mart đã làm việc với các đối tác, nhà cung cấp bảo đảm nguồn hàng và giá cả tốt nhất để vừa thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh, vừa kích thích được nhu cầu tiêu dùng. “Năm nay, số lượng hàng hóa dự trữ được Lotte nhập về tăng 40% so với năm 2021. Hàng Việt trong siêu thị chiếm 95%. Siêu thị cam kết thực hiện tốt nhất chính sách bình ổn giá, bình ổn thị trường. Hàng hóa phải bảo đảm chất lượng và chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu, không để xảy ra khan hiếm hàng, tăng giá không đúng quy định”, ông Lê Trung Hòa khẳng định. Cũng theo ông Hòa, mặc dù giá cả thị trường biến động do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, nhưng nhìn chung, sức mua đã phục hồi và tăng trưởng liên tục trong suốt thời gian vừa qua, thậm chí tăng cao hơn so với 2 năm trước đại dịch.

Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, Công ty TNHH Aeon Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương tham gia bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa là 473,7 tỷ đồng. Trong đó, lượng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết 577,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lớt, Giám đốc siêu thị Aeon Mall Bình Dương, cho biết: “Để bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu cuối năm của người dân, siêu thị đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất và dự trữ hàng từ đầu tháng 10-2022 nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho tất cả khách hàng”. Đơn vị này cũng dự báo từ nay tới cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sức mua sẽ tiếp tục tăng, thị trường sẽ sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối năm trước đại dịch.

Năm nay, Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa xanh với chuỗi 31 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.Thuận An tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ 331,7 tỷ đồng. Trong đó, lượng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết 93,1 tỷ đồng. Công ty TNHH Thực phẩm Sài Gòn Co.op (chuỗi 4 cửa hàng Co.op Food) tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ 21,7 tỷ đồng. Trong đó, lượng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết 8,04 tỷ đồng. Ngoài chuỗi 35 cửa hàng tiện lợi của Bách hóa xanh và Co.op Food, lượng hàng hóa còn được tăng cường bởi 26 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi khác trên địa bàn thành phố gồm Vinmart+, Family Mart, GS25, Vie Mart.

Đối với chợ truyền thống, các loại hàng hóa phục vụ tết (gạo, tạp hóa, hàng gia dụng, hàng may mặc, bánh, mứt, bông chưng, thịt heo…) cũng được tăng cường bởi những hộ kinh doanh, tiểu thương hiện đang có điểm kinh doanh cố định tại 22 chợ trên địa bàn thành phố với 106,7 tấn lương thực, 847 tấn thực phẩm chế biến, 93,5 tấn thực phẩm tươi sống. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ 41,8 tỷ đồng. Các loại hàng hóa sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ tết của người dân, góp phần ổn định cung, cầu hàng hóa trên địa bàn vào những ngày cao điểm giáp tết.

Ghi nhận tại một số địa điểm triển khai thực hiện, hàng hóa thiết yếu cung cấp cơ bản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ theo quy định và bình ổn giá, không tăng giá so với thị trường. Đặc biệt, hàng Việt chiếm ưu thế tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng và được người tiêu dùng tin dùng. Điều này cho thấy hàng Việt Nam ngày càng khẳng định được chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

 Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An: “Thành phố đã làm việc, trao đổi với một số đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, siêu thị, các chợ lớn. Đặc biệt, UBND thành phố đã yêu cầu Phòng Kinh tế thành phố nắm chắc tình hình diễn biến giá cả thịt heo những ngày giáp tết, kịp thời tham mưu UBND thành phố chỉ đạo kịp thời khi có biến động về giá. Phối hợp với Sở Công thương vận động các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn ra thị trường nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân, thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt tươi sống trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023”.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=191
Quay lên trên