Nếu nói một cách hình tượng: Con người với tư cách là “hoa của đất” thì phụ nữ là những bông hoa xinh đẹp nhất. Đối với phụ nữ Việt Nam, trong từng giai đoạn lịch sử đều thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội, là những bông hoa tỏa ngát hương cho đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp rực rỡ” để khẳng định và tôn vinh vai trò cũng như những đóng góp của người phụ nữ cho xã hội.
Ngược dòng lịch sử, trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công nguyên đã mở đầu cho thời kỳ đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm. Rồi sau đó là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống lại nhà Ngô năm 248, với câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”…
Và ngay trong thời đại phong kiến, dù với cách nhìn nhận theo quan điểm nho giáo với những lễ giáo có phần hà khắc (tam tòng, tứ đức), người phụ nữ trong xã hội chưa được đề cao, thì vai trò của phụ nữ vẫn được thể hiện rất rõ. Đó là hình ảnh của Thái hậu Dương Vân Nga (thế kỷ X), Nguyên phi Ỷ Lan (thế kỷ XI), hình ảnh kiên cường, bất khuất của nữ tướng Bùi Thị Xuân trong phong trào Tây Sơn thế kỷ 17. Bình dị hơn, đó còn là hình ảnh của những người phụ nữ “quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ 5 con với 1 chồng”...
Kế thừa truyền thống, trong thời đại Hồ Chí Minh lại xuất hiện rất nhiều những hình ảnh tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam như chị Võ Thị Sáu, chị Út Tịch với câu nói nổi tiếng “còn cái lai quần cũng đánh”, là nữ tướng Nguyễn Thị Định, một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre và chị Võ Thị Thắng với bức ảnh “nụ cười chiến thắng”. Cảm động hơn, đó là hình ảnh của các nữ thanh niên xung phong - 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, nhiều phong trào thi đua sản xuất như “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, những “Cánh đồng năm tấn” đều ghi đậm dấu ấn và vai trò của người phụ nữ. Họ xứng đáng với phẩm chất: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy truyền thống vẻ vang, phụ nữ Việt Nam lại thể hiện rõ vai trò trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Qua các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động như “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… phụ nữ Việt Nam đã và đang tiếp tục thể hiện các phẩm chất cao quý: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
THÀNH SƠN