Huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp vào xây dựng nông thôn mới: Cần hài hòa lợi ích của cả đôi bên

Cập nhật: 10-01-2013 | 00:00:00

Việc huy động các doanh nghiệp (DN) đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ tiếp thêm nguồn lực cho chương trình này. Tuy nhiên, thời gian qua mức đóng góp của các DN vẫn còn hạn chế…

Theo cơ cấu nguồn vốn quy định tại Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì vốn chương trình NTM sẽ là: 70% vốn từ ngân sách và tín dụng; 20% là từ DN, hợp tác xã và các loại hình kinh tế đứng chân trên địa bàn đóng góp; vốn dân đóng góp là 10%. Theo khái toán vốn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), để một xã trở thành xã NTM sẽ phải có số vốn đầu tư vào khoảng 370 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ vốn DN đóng góp vào khoảng 74 tỷ đồng. Con số này quả thật không dễ dàng với nhiều xã nông thôn, nhất là với các địa phương đặc thù vùng sâu, vùng xa ít DN. Trong khi đó, nhận xét một cách khách quan, số DN trú đóng tại nông thôn Bình Dương là rất ít. Vì vậy, việc huy động nguồn vốn đóng góp của DN còn gặp nhiều khó khăn.  

 Huy động vốn DN để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong ảnh: Trạm cấp nước xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng được xây dựng có sự đóng góp của DN

Xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo hiện có 7 DN vừa và nhỏ hoạt động. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các DN này là nông nghiệp và chế biến (chế biến gỗ, chế biến mủ cao su, chăn nuôi, giống cây trồng). Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết các DN trên địa bàn xã trong thời gian qua cũng có sự đóng góp cho quá trình xây dựng NTM của xã nhưng còn hạn chế. Các DN này đóng góp dưới nhiều hình thức như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết… Trong năm qua, 3 DN tại địa phương cũng đã đầu tư được 3km đường điện hạ thế với giá trị gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng như điện, đường của các DN này chủ yếu là để phục vụ sản xuất cho chính DN. Ông Lý cho biết thêm, qua vận động, các DN này cũng rất đồng tình với chủ trương đóng góp cho xây dựng NTM, nhưng nếu nhìn vào tỷ lệ cơ cấu vốn xây dựng NTM thì với số lượng DN ít ỏi thì việc huy động được con số trên 70 tỷ đồng là quá khó khăn. Trong khi đó, một số DN tại Tân Hiệp đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì vậy, ông Lý cho biết thời gian tới xã Tân Hiệp sẽ tiếp tục vận động các DN đóng góp trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Tương tự, ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết trên địa bàn xã hiện có một số DN và nông trường cao su đang hoạt động, nhưng số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thời gian qua các đơn vị này cũng đã có sự đóng góp nhất định cho tiến trình phát triển nông thôn của xã, như: ủng hộ quỹ đất xây dựng các văn phòng, làm đường nông thôn… nhưng chỉ là các DN nhỏ và vừa, trong khi các DN lớn, có tiềm lực thì việc vận động họ đóng góp là vô cùng khó khăn do họ phải làm theo quy định chung của công ty mẹ. Vì vậy, việc huy động sự đóng góp của DN cho vấn đề xây dựng NTM trong thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn.

DN đầu tư là để tìm kiếm lợi nhuận, còn việc hướng về cộng đồng thông thường là tự nguyện. Đa số DN đầu tư về nông thôn đều gặp khó khăn do chưa được hưởng lợi cơ sở hạ tầng như ở thành thị và chính họ phải đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn. Để các DN đóng góp nhiều hơn cho quá trình xây dựng NTM, cần tạo các cơ chế, chính sách phù hợp như ưu đãi về thuế, ưu đãi về vốn vay… cho những DN này. Có hài hòa lợi ích đôi bên thì DN mới mạnh dạn đóng góp xây dựng nông thôn nơi họ trú đóng.

 

 CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên