Kết quả rà soát giá vốn 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - Vung tay chi hoa hồng

Cập nhật: 20-12-2011 | 00:00:00

Ngày 19-12, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tại thời điểm 30-6 và 26-8. Đáng chú ý, tính đến 26-8, các doanh nghiệp đều có lãi nếu tuân thủ đúng theo quy định về chi phí kinh doanh.

  Người dân mua xăng dầu giá cao là do các Tổng Công ty đầu mối chạy đua chi hoa hồng cho các đại lý. Ảnh: Cao Thăng    “Chạy đua” chi hoa hồng

Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, căn cứ giá vốn hàng nhập tính đến 26-8, nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đều có lãi (trừ Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) vì giá vốn hàng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm quá cao). Còn nếu tính từ 1-7 đến 26-8, các doanh nghiệp về cơ bản không lỗ hoặc có lãi. Chẳng hạn, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) báo cáo ước lãi 130 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện  theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì lãi 48 tỷ đồng; Petimex báo cáo lỗ 55,23 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu 500 đồng mỗi lít vào thời điểm 26-8 là hoàn toàn hợp lý.

Điểm đáng chú ý trong kết quả kiểm tra kinh doanh của 4 doanh nghiệp là việc chi hoa hồng cho tổng đại lý, đại lý một cách “bừa bãi”. Theo quy định, chi phí định mức kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu là 600 đồng/lít (trong đó bao gồm cả chi thù lao đại lý) thế nhưng các doanh nghiệp đều vượt và “phóng tay” với đại lý.

Cụ thể, mức chi thù lao đại lý của Petrolimex từ tháng 3 đến tháng 9 đối với xăng mức thấp nhất là 210 đồng/lít (tháng 3), mức dầu cao nhất 630 đồng/lít (tháng 6); đối với dầu diesel thấp nhất 130 đồng/lít (tháng 3) và cao nhất 830 đồng/lít (tháng 7). Điều này đã khiến chênh lệch giữa chi phí bán hàng thực tế phát sinh tại Petrolimex với chi phí kinh doanh theo định mức lên đến hơn 516 tỷ đồng. Với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), trong 6 tháng đầu năm, bình quân mức vượt định mức cho xăng, dầu là 239 đồng/lít. Tại Saigon Petro, tổng chi phí kinh doanh 6 tháng đầu năm (tính cả chiết khấu thù lao đại lý) bình quân 763,8 đồng/lít xăng dầu; còn từ 1-7 đến 26-8 bình quân lên tới 1.181,41 đồng/lít xăng dầu (tổng mức vượt chi phí kinh doanh định mức đến 26-8 lên tới trên 168,8 tỷ đồng).

    Người tiêu dùng chịu thiệt?

Trả lời câu hỏi xung quanh việc chi phí định mức kinh doanh vượt mức quy định, bà Vũ Thị Mai nhìn nhận: “Bộ Tài chính nhận thấy một số doanh nghiệp chưa chia sẻ với người dân và Nhà nước. Tức phải tiết giảm tối đa chi phí trong bối cảnh lạm phát cao”. Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bà Mai cho rằng cần quy định định mức thù lao đại lý phù hợp với từng loại kinh doanh xăng dầu, tạo cơ sở để các doanh nghiệp đầu mối cạnh tranh bình đẳng, tránh tùy tiện việc nâng mức thù lao gây sức ép tăng giá. Thị trường đang do một nhóm doanh nghiệp thống lĩnh chi phối, nếu không khống chế sẽ có cạnh tranh không bình đẳng.

Trước việc các doanh nghiệp “đua nhau” chi hoa hồng, bà Mai cho biết, đây là vấn đề Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang đặt ra và cần khảo sát làm sao để đưa ra định mức khống chế chi phí kinh doanh và thù lao phù hợp, doanh nghiệp có lãi hợp lý.

Về câu hỏi liệu người tiêu dùng có chịu thiệt trong các quyết định tăng, giảm giá xăng dầu trước đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, người tiêu dùng không phải chịu vì doanh nghiệp dù chi vượt định mức kinh doanh nhưng Nhà nước vẫn giữ ổn định giá bán lẻ. Nhà nước không cấp bù, doanh nghiêïp phải tự trang trải trong việc chi vượt định mức trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh của mình vì trong giá cơ sở để điều hành, Tổ giám sát xăng dầu vẫn tính mức chi phí kinh doanh là 600 đồng/lít trong các quyết định tăng, giảm giá xăng dầu.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về giá cả, giải thích như trên không hoàn toàn thỏa đáng. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp chi định mức kinh doanh đúng quy định, không chạy đua chiết khấu hoa hồng cho đại lý thì có thể giá xăng dầu sẽ giảm. Thực tế này cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan giám sát, điều hành xăng dầu trong việc quản lý, giám sát các hoạt động, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy liệu các quyết định tăng, giảm giá xăng dầu từ trước đến nay có đúng theo diễn biến thực tế?

Liên quan đến cơ chế trích, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, theo Bộ Tài chính hiện nay việc thực hiện đang bộc lộ một số bất cập và khó kiểm soát. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng quỹ trong thời gian tới theo hướng đưa quỹ về Bộ Tài chính quản lý.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên