Kháng nghị giám đốc thẩm chậm - bên bị thi hành án kêu trời!

Cập nhật: 09-10-2013 | 00:00:00

Nhiều bản án đã được thi hành xong thì mới có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của những người có thẩm quyền. Bản án giám đốc thẩm sau đó mới tuyên hủy án để xét xử lại. Chính vì sự vào cuộc quá chậm đó đã khiến cho người bị thi hành án (THA) lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười” vì tài sản đã bị thi hành xong. Trường hợp dưới đây là một điển hình.

Cuối năm 2004, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Bến Cát thụ lý vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế giữa nguyên đơn là các ông V., bà G., ông T., ông N…, cùng ngụ tại xã An Bình, Phú Giáo và xã Hòa Lợi, Bến Cát với bị đơn là bà N.T.U. (Hòa Lợi, Bến Cát). Vụ tranh chấp này đã được TAND huyện Bến Cát xét xử và tuyên buộc bà N.T.U. phải chia cho bên nguyên đơn (6 người) mỗi người gần 51 triệu đồng và được sử dụng 106,6m2 đất tái định cư. Bản án bị kháng cáo. 5 tháng sau, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Án có hiệu lực phải thi hành!

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật nhưng do bà N.T.U. không tự nguyện THA nên theo yêu cầu của các nguyên đơn, Chi cục THA Dân sự Bến Cát đã tiến hành đo, cắm cột mốc giao cho các nguyên đơn diện tích đất theo nội dung bản án.

Người nhận chuyển nhượng hợp pháp từ phần đất đã bị thi hành án của bà U. nay cũng bị “vạ lây”!

Về phần tiền mà bà U. có trách nhiệm thanh toán nhưng bà cũng không tự nguyện thi hành khoản nào; do đó Chi cục THA Dân sự Bến Cát đã tiến hành kê biên, định giá tài sản của bà U. gồm 1 căn nhà cấp 4, một nhà vệ sinh, 1 giếng đóng, 1 máy bơm nước và diện tích 300m2 đất tái định cư. Tài sản này đã được Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Dương đưa ra bán đấu giá. Sau đó, Chi cục THA Dân sự Bến Cát cũng đã cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá; bởi vì bà U. không tự nguyện giao tài sản.

Bản án đã được thi hành xong, đến tháng 4-2009, TAND Tối cao mới tiến hành xét xử giám đốc thẩm theo kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao và tuyên hủy cả hai bản án trên; giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Theo bản án Giám đốc thẩm thì trong quá trình giải quyết vụ án, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chưa làm rõ nhiều chứng cứ, tài liệu có liên quan đến nội dung bản án…

Trong quá trình giải quyết lại vụ án, vì bên nguyên đơn có đơn rút yêu cầu khởi kiện nên TAND Bến Cát đã ra quyết định (QĐ) đình chỉ giải quyết vụ án. Bà U. kháng cáo, TAND tỉnh Bình Dương ra QĐ bác kháng cáo của bà và giữ nguyên QĐ đình chỉ vụ án của TAND huyện Bến Cát.

Quá bức xúc vì tự nhiên thấy tài sản của mình bị mất một cách oan uổng, không cách nào khác, bà U. đã làm đơn khởi kiện những người đã được THA. Bà U. cho rằng: khi vụ án tranh chấp đã bị đình chỉ có hiệu lực pháp luật thì tài sản được chia theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh Bình Dương trước đó (hiện đã bị hủy) được trả lại tình trạng ban đầu; nên việc các nguyên đơn chiếm giữ tài sản của bà là không có căn cứ pháp luật. Do đó, việc bà khởi kiện để đòi lại tài sản là hoàn toàn hợp pháp.

Cần quy định chặt chẽ hơn về thủ tục giám đốc thẩm

Theo bà U., việc cả 2 cấp tòa ra QĐ đình chỉ vụ án đã khiến cho bà “tự dưng bị mất hết tài sản”; vì bản án trước đó đã được thi hành xong, tài sản bị THA đã chuyển dịch qua rất nhiều cá nhân. Trong trường hợp bà thắng kiện thì các nguyên đơn liệu có còn tài sản để mà giao trả lại?! Bản án giám đốc thẩm của TAND Tối cao là hủy án, giao về cho tòa sơ thẩm xét xử lại mà nay tòa đình chỉ là không thỏa đáng và làm thiệt hại nặng nề đến quyền lợi của bà. Tại sao khi ra QĐ đình chỉ vụ án, tòa không nghĩ đến việc toàn bộ tài sản của bà đã bị THA theo bản án hiện đã bị TAND Tối cao hủy?!

Đúng là trong vụ việc này, bà U. bị thiệt thòi nặng bởi tài sản lẽ ra vẫn còn thuộc sự quản lý, sở hữu của bà thì nay đã bị THA gần hết. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng đây cũng là một “lỗ hổng” cần phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Theo luật sư Trần Như Lực- Đoàn Luật sư TP.HCM, thì những vụ việc tương tự như thế này đã xảy ra nhiều trong thực tiễn nhưng cách giải quyết thì gặp không ít khó khăn. Có chuyện này là bởi luật quy định bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay nhưng cũng quy định rằng bản án dân sự đã có hiệu lực vẫn có thể bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm lên đến 3 năm. Trong 3 năm đó, xã hội đã có nhiều thay đổi phát sinh. Điều này dẫn tới tình trạng mọi việc đã đâu vào đó, khó thể thay đổi, khó thể khôi phục lại tình trạng ban đầu của các bên đương sự được. Chính vì vậy, các nhà làm luật cần nghiên cứu lại về thời gian, cơ cấu tổ chức giải quyết đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm, cũng như mối quan hệ phối hợp giữa người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm với cơ quan THA sao cho hợp lý, hiệu quả.

Luật sư Lực cũng cho rằng, pháp luật có quy định về chuyện phối hợp giữa người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm với cơ quan THA như: cho phép người có thẩm quyền kháng nghị hoãn THA trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình phối hợp này vẫn có thể gặp trục trặc, không ít trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đã vào cuộc quá chậm, sau khi bản án đã được thi hành xong như trường hợp trên.

NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=593
Quay lên trên