Kho Sanh: Người “thầy” đáng kính của làng Chăm xã Minh Hòa

Cập nhật: 09-12-2015 | 12:27:13

Ông Kho Sanh hiện đang đảm nhận chức vụ Phó giáo cả tại thánh đường MUTAQIN ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Ông đã định cư tại đây từ năm 1966. Đến năm 1997 ông tham gia ban quản trị và đảm nhận chức vụ Phó giáo cả. Năm 1998, ông Kho Sanh tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đều là người Chăm theo đạo Hồi.

Khi được hỏi về quá trình công tác dân tộc, ông Kho Sanh chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Chăm hợp tác với tôi rất nhiệt tình. Cái khó nhất ở đây là làm sao để có uy tín và được mọi người tín nhiệm. Mà muốn đạt được điều đó trước hết phải tự bản thân làm tấm gương tốt, cố gắng sống và làm việc tuân thủ theo khuôn khổ quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước”. Được biết, ông còn mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương và được đồng bào ở đây quen gọi là thầy Kho Sanh một cách kính trọng.

Ông Kho Sanh được cả làng Chăm kính trọng vì nhiệt huyết với công tác dân tộc, gương mẫu trong lao động, sinh hoạt. Ông rất quan tâm đến việc tìm tòi, học hỏi cách làm ăn mới, hiệu quả. Ông đã đến Tây Ninh tham khảo mô hình trồng trọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hoa màu sang xoài, mãng cầu, tiêu, điều và hiện tại là 3 ha cây cao su.

Ông Kho Sanh vừa là cán bộ dân tộc giỏi, sản xuất, kinh doanh giỏi và cũng là người chồng, người cha gương mẫu trong gia đình. Từ những thành quả trong lao động, sản xuất, ông đã lo cho các con ăn học nên người. Đặc biệt, cậu con trai út của ông hiện đang du học tại Malaysia. Ông Kho Sanh xứng đáng là người “thầy” gương mẫu của làng Chăm Minh Hòa và là tấm gương đồng bào dân tộc tiêu biểu cho mọi người noi theo.

 NGUYỄN ẢNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên