Khơi nguồn kinh tế tư nhân

Cập nhật: 02-10-2017 | 09:04:43

Buổi đối thoại chính sách với một số tập đoàn kinh tế tư nhân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa diễn ra với chủ đề “Chính phủ và các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng đồng hành phát triển kinh tế”, được xem là chương trình chưa có tiền lệ. Bởi, từ trước tới nay thường chỉ có các cuộc tọa đàm, đối thoại với doanh nghiệp nói chung hoặc doanh nghiệp Nhà nước. Đây chính là sự cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 10, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Kinh tế tư nhân bắt đầu được Đảng và Nhà nước quan tâm từ Đại hội VI (năm 1986) khi có chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Tuy nhiên, phải đến Đại hội XI (năm 2011) thì quan điểm phát triển kinh tế tư nhân mới thực sự “mở” khi Văn kiện Đại hội xác định rõ sự cần thiết hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Đặc biệt, tại Đại hội XII năm 2016, kinh tế tư nhân được Đảng khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, có lẽ đây là thời điểm mà các doanh nghiệp tư nhân có được động lực thực sự khi cảm nhận được sự quan tâm đúng mức từ Đảng và Nhà nước, cụ thể là Chính phủ đã phát đi thông điệp “Chính phủ kiến tạo và hành động”. Điều đó đang từng bước trở thành hiện thực và càng làm tăng thêm niềm tin và sự hứng khởi cho các doanh nghiệp tư nhân ở tất cả các lĩnh vực. Những chủ trương, đường lối của Đảng đang được Chính phủ nỗ lực biến thành những hành động cụ thể, không chỉ còn ở cấp Trung ương mà cả trong tất cả các ngành, các cấp, các địa phương. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực do bộ này quản lý - một quyết định được cho là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay để giảm bớt các rào cản cho doanh nghiệp, là một minh chứng rõ ràng cho thông điệp của Chính phủ.

Trở lại câu chuyện đối thoại, để khơi nguồn kinh tế tư nhân phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở lời “muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tập đoàn tư nhân một cách chân thành, với tinh thần nói thẳng, nói thật, nói trách nhiệm. Từ đó, để Chính phủ tiếp tục tháo gỡ, tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển đúng hướng, ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn mạnh cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Từ tư duy mở đến hành động đúng đắn, quyết liệt và một loạt thể chế, chính sách pháp luật được ban hành, nhiều tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế đã được nhận diện và xử lý. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng như niềm tin của doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng đang được cải thiện và nhân lên. “Chìa khóa” cho sự tăng trưởng kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã thực mở. Điều đó cho thấy kỳ vọng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ phấn đấu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân từ 43% hiện nay lên 50 -60% GDP trong những năm tới là hoàn toàn có thể đạt được.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên