Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012: Chuẩn bị sẵn sàng cho giờ G

Cập nhật: 02-07-2012 | 00:00:00

Ngày 4-7, đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên của năm 2012 sẽ diễn ra và hôm nay (3-7) các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Trước đó, Bộ GD-ĐT cùng các nhà trường đã dốc sức chuẩn bị để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Trong đó, việc bảo đảm an toàn, chính xác của đề thi và việc phòng chống gian lận trong phòng thi bằng thiết bị công nghệ cao được các trường tập trung chú ý.

Mùa thi có nhiều điểm mới

Rút kinh nghiệm từ sự cố sai sót trong đề thi ở một số hội đồng thi trong kỳ tuyển sinh năm ngoái, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Năm nay, trong công tác in sao đề thi, Bộ sẽ giao đề thi dưới dạng văn bản giấy. Các cơ sở in sao đề thi chỉ cần photocopy từ đề gốc thay vì phải dùng máy tính hay các phần mềm khác để xử lý. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định điều này sẽ tránh được sai sót khi hệ thống máy tính của các cơ sở không tương thích với nhau hoặc sử dụng phần mềm khác nhau.

  Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012.Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã chủ trương không ra đề thi quá khó, quá dài, không đánh đố để thí sinh trình độ trung bình cũng có thể làm được. Đồng thời đề cũng có tính phân loại cao, phổ điểm rải đều. Lãnh đạo Bộ hy vọng đề thi năm nay sẽ giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp cho các ngành đào tạo và các nhu cầu đầu vào khác nhau.

Đặc biệt, năm 2012, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy sẽ bỏ quy định tuyển sinh theo nguyện vọng 2, 3 mà tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng ở nhiều trường nếu các trường đó còn chỉ tiêu. Bộ giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xét tuyển nguyện vọng, không giới hạn nguyện vọng của thí sinh, các trường có thể tuyển nhiều đợt, không quy định điểm nguyện vọng sau phải cao hơn điểm nguyện vọng trước. Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ. Năm nay, thí sinh là học sinh các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được hưởng chính sách ưu tiên được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ, không phải thi; học sinh đoạt giải quốc gia được tuyển vào ngành phù hợp với môn đoạt giải.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh, Bộ tổ chức thêm cụm thi Hải Phòng cho đối tượng là các thí sinh ở Hải Phòng và Quảng Ninh, mở rộng cụm thi ở Vinh để các em dự thi vào các trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh có thể thi tại Vinh.

Cảnh giác với thiết bị công nghệ

Liên quan tới công tác bảo đảm kỷ luật trường thi, Bộ GD-ĐT cho biết năm nay, Bộ chỉ cử thanh tra "cắm chốt" tại những cụm thi quốc gia, những điểm thi lớn. Với các khu vực còn lại, Bộ tổ chức những đoàn kiểm tra lưu động, không báo trước, nhằm nắm được tình hình một cách thực tế và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Về phía mình, các trường tổ chức thi đều khẳng định đã sẵn sàng công tác chuẩn bị và tăng cường các biện pháp chống gian lận trong thi cử, đặc biệt sau sự kiện quay video clip tố cáo vi phạm trong kỳ thi tốt nghiệp tại Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang). Ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: Trước ngày thi, hơn 1.000 giám thị coi thi, chủ yếu là cán bộ và sinh viên năm cuối của nhà trường, đã được tập huấn kỹ và tập trung vào việc ngăn chặn các gian lận. Theo đó, mọi thiết bị thu phát đều bị cấm sử dụng trong phòng thi.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết đã phối hợp với cơ quan an ninh để giúp hơn 1.300 giám thị tăng cường khả năng nhận biết các hành vi gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Nhà trường chuẩn bị cả những phiên bản thiết bị mà thí sinh có thể sử dụng thực hiện hành vi gian lận để giám thị dễ dàng nhận diện. Bên cạnh đó, đại diện các trường đều cho rằng, hoàn toàn có khả năng xuất hiện các loại hình gian lận tinh vi với thiết bị công nghệ cao mà giám thị không thể phát hiện. Vì vậy, sự phối hợp với các cơ quan an ninh là rất cần thiết, đặc biệt không loại trừ việc đấu tranh, tố giác của các thí sinh trước các vi phạm.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng thừa nhận: Với tình trạng thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao rộng rãi như hiện nay, công tác coi thi sẽ càng khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, lực lượng thanh tra, giám thị và giám sát thi sẽ phải chú ý quan sát những biểu hiện bất thường của thí sinh cũng như các vật dụng mà thí sinh được mang vào phòng thi. Để tránh những sai sót không đáng có, Thứ trưởng cũng lưu ý, với những bất thường xảy ra trong phòng thi, giám thị phải báo cáo với điểm trưởng chứ không được tự ý xử lý.

Ngày 2-7, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã giải thích rõ hơn quy định về việc cấm mang vào phòng thi một số thiết bị công nghệ cao. Theo đó:

- Thí sinh không được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh và thiết bị mà người sử dụng có thể nghe được âm thanh, xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ hoặc có thể truyền thông tin ra ngoài phòng thi.

- Thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Trước đó, ngày 29-6, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Trong đó có quy định thí sinh không được mang vào phòng thi thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Theo HNM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=256
Quay lên trên
X