Kỳ vọng hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

Cập nhật: 06-04-2023 | 09:04:26

 Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều địa phương, nhất là các huyện, thị, thành phố có lợi thế về phát triển nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn cho hiệu quả khả thi.

 Ứng dụng KHCN vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thành Công tại vườn tre tứ quý của gia đình

 Nông nghiệp là một trong những ngành có thế mạnh của huyện Bắc Tân Uyên, với tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm đến 83,02% tổng diện tích tự nhiên. Để thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển, giúp nông dân phát triển giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, những năm qua huyện đã chuyển giao thành công nhiều mô hình, dự án KHCN.

Theo chân cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chúng tôi đến tham quan mảnh vườn 2.500m2 đang được trồng tre tứ quý lấy măng theo hướng hữu cơ của chị Trần Thị Thanh Phương, ấp 4, xã Thường Tân. Được huyện hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, năm 2022 chị Phương đã mạnh dạn thử nghiệm trồng 200 gốc tre trên mảnh vườn trồng tràm đã thanh lý, sau 6 tháng tre sinh trưởng tốt và bắt đầu cho ra măng. Chị Phương cho biết: “Tre tứ quý mùa nắng hay mưa đều có thể chiết giống được nhờ kỹ thuật cắt rời đoạn tre khỏi thân cây. Nếu đủ độ ẩm bốn mùa đều ra măng, cho thu hoạch quanh năm. Tre trồng 6 tháng ra măng, khoảng 12 tháng trở lên sẽ cho thu hoạch. Được sự hỗ trợ, tư vấn của ngành nông nghiệp huyện gia đình tôi mạnh dạn thử nghiệm hy vọng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao”.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Thành Công tại ấp 6 cũng trồng thử nghiệm 5.000m2 với hơn 400 gốc măng tre tứ quý, cây phát triển tốt và chuẩn bị ra măng. Để thuận lợi tưới tiêu, ông Công sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Ông Công vừa chia sẻ: “Hệ thống tưới tự động tiết kiệm được rất nhiều, không tốn công sức, thời gian. Thông thường tôi tưới buổi tối và sáng, mỗi lần khoảng 2 tiếng. Mình chỉ việc cài đặt thời gian tưới sau đó hết giờ hệ thống sẽ tự ngắt”. Theo ông Công, hệ thống bù áp giúp nước chạy đều, bón phân cũng dễ dàng bằng cách đưa phân vào bồn hòa với nước. Lợi ích đã thấy rõ, chỉ còn trông chờ vào vụ thu hoạch măng đầu tiên, nếu hiệu quả sẽ mở rộng thêm.

Có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chăn nuôi, anh Đặng Phước Xuyên, ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc ngoài chăn nuôi gà còn mở rộng thêm mô hình nuôi bò gồm 16 con. “Mỗi ngày đi gom cỏ cho bò ăn vừa mất nhiều thời gian lại cũng không đủ. Tôi đã sử dụng 5.000m2 đất để trồng cỏ và đầu tư hệ thống tưới tự động, nhờ đó tiết kiệm được chi phí nhân công lại đủ cỏ cho bò ăn”, anh Xuyên nói.

Theo ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, việc đẩy mạnh KHCN vào nông nghiệp sẽ giúp người dân mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất. Mô hình trồng tre tứ quý lấy măng được khảo nghiệm thành công 90% mới đưa vào ứng dụng thực tế. Hiện tại, mới nhân rộng được khoảng vài ha nằm rải rác trên địa bàn huyện. Mô hình chăn nuôi gà nòi lai hướng thịt an toàn sinh học, dịp tết vừa qua nông dân cũng đã xuất ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nguồn giống cây trồng, vật nuôi hiếm nhưng giá vật tư nông nghiệp, thức ăn lại quá cao nên người nông dân gặp không ít khó khăn trong sản xuất.

 Năm 2022, huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai thực hiện 3 mô hình ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất. Mô hình trình diễn canh tác tre lấy măng tứ quý theo hướng hữu cơ thực hiện trên địa bàn xã Thường Tân và Tân Mỹ, cây sinh trưởng và phát triển bình thường, đã bắt đầu ra măng; mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao hệ thống tưới tiết kiệm thực hiện ở xã Đất Cuốc và Thường Tân, hệ thống đang vận hành tốt; mô hình trình diễn chăn nuôi gà nòi lai hướng thịt an toàn sinh học thực hiện trên địa bàn xã Đất Cuốc và Lạc An, gà sinh trưởng phát triển bình thường. Theo ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, việc đẩy mạnh KHCN vào nông nghiệp sẽ giúp người dân mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên