Lại nói chuyện thua trên “sân nhà”!

Cập nhật: 19-11-2011 | 00:00:00

Áo quần Trung Quốc chiếm lĩnh các chợ, trái cây Trung Quốc tràn ngập quầy hàng từ chợ đầu mối đến chợ nhỏ lẻ, đó là thực trạng đã và đang diễn ra trên thị trường. Áo quần may sẵn, trái cây hay các loại nông sản (NS) khác của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường không phải bây giờ mới biết, nhưng chẳng lẽ biết rồi chịu “thua” vậy thôi sao?

Với áo quần may sẵn, có một thực tế mà nhiều nhà phân tích thị trường chỉ ra rằng, hầu như nhiều doanh nghiệp Việt Nam “bỏ quên” kênh phân phối ở các chợ truyền thống. Các thương hiệu nổi tiếng về may mặc Việt Nam tuy có chú trọng đến thị trường nội địa thời gian gần đây, nhưng chủ yếu phân phối ở các trung tâm thương mại, siêu thị và hệ thống các cửa hàng trên các đường phố, rất hiếm có các quầy hàng giới thiệu sản phẩm ở các chợ truyền thống. Các chuyên gia đánh giá rằng, một khi trở về “sân nhà” mà bỏ quên các chợ truyền thống là một điều rất đáng tiếc đối với các doanh nghiệp, nếu muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa một cách bền vững nhất. Một nhà phân tích thị trường khẳng định, đa phần người tiêu dùng Việt Nam hiện tại, đặc biệt là người tiêu dùng nông thôn chưa quen đặt chân vào các siêu thị. Hơn nữa vì nhiều lý do, họ hầu như chưa đến được và chưa “dám” bước vào những trung tâm thương mại sầm uất, những siêu thị sang trọng. Vậy nên, muốn đưa sản phẩm về chiếm lĩnh thị trường nội địa, về với đối tượng bình dân này, cách tốt nhất là triển khai hệ thống phân phối sâu rộng ở các chợ truyền thống khắp cả nước. Mỗi khi kênh phân phối này bị “bỏ quên” thì các nhà cung cấp khác đặt chân vào và thắng thế gần như là lẽ đương nhiên. Đó là chưa kể sản phẩm may mặc Trung Quốc cũng không kém phần đa dạng về mẫu mã, chất lượng cũng không thua kém, giá cả lại cạnh tranh.

Với NS, không phải bây giờ mà trước đây có thời điểm trứng gà, đường Trung Quốc tràn ngập các chợ. Chúng ta vẫn đang trên đà hiện đại hóa nền nông nghiệp, hướng tới một nền sản xuất hàng hóa nên hiện tại chưa thể cạnh tranh lại là chuyện đương nhiên. Nhưng vẫn phải nhìn từ thực tế để tìm giải pháp hỗ trợ cho nông dân, mà cụ thể là đưa NS Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Rất nhiều bài báo của đồng nghiệp viết về nông nghiệp nông thôn cho thấy rằng, hầu như nông dân đang “tự bơi” khi đưa NS đi tiêu thụ. Một mặt họ bị tư thương ép giá, NS qua quá nhiều trung gian phân phối nên khi đến tay người tiêu dùng giá đội lên quá cao nên giảm sức cạnh tranh với NS nhập ngoại. Mặt khác vì chủ yếu là sản xuất cá thể, nên dù NS có chất lượng tốt nhưng họ rất khó tiếp cận tại các siêu thị bởi rào cản thủ tục, nản lòng họ quay lại với các chợ nhỏ với giá bèo, sức tiêu thụ yếu.

Tổ chức lại kênh phân phối hợp lý không chỉ với hàng may mặc hay NS mà với tất cả các sản phẩm khác nếu muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa là việc rất cần thực hiện. Tất nhiên bên cạnh kênh phân phối, một sản phẩm nếu muốn thị trường chấp nhận, tất yếu còn cần đến nhiều yếu tố khác mà nhà sản xuất cần phải tính đến.

Lê Cảnh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=273
Quay lên trên