Trong số hơn 30 bệnh nhân (BN) đang điều trị tại Khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, có hơn 1/3 BN do lạm dụng rượu. Một khi đã lạm dụng rượu, “con đường” đến bệnh tâm thần khá… gần! Đó là khuyến cáo của bác sĩ (BS) chuyên khoa tâm thần kinh…
Chị Nguyễn Thị Thanh Đào, Điều dưỡng trưởng ở khoa Tâm thần kinh BVĐK tỉnh đưa tôi đi quanh khu điều trị BN tâm thần cho biết, hơn 1/3 số BN nội trú ở đây có “liên quan” đến rượu. Có khi, số BN là hơn 1/ 2 do nghiện rượu nặng. Những BN có biểu hiện đờ đẫn, chán nản. Mỗi khi lên cơn nghiện rất khó… hợp tác với BS, điều dưỡng của khoa.
Theo các BS cho biết; “con đường” của một người lạm dụng rượu “đi” dần dần từ uống cho vui sau dần thành thói quen và lạm dụng rượu dẫn đến nghiện. Một khi đã bị nghiện rượu sẽ dễ xuất hiện rối loạn tâm thần. Nếu cai rượu sẽ gặp hội chứng cai là bồn chồn, run tay, bứt rứt khó chịu khiến bản thân phải đi tìm rượu để uống. Tác hại do rượu gây ra cũng rất lớn nên cần thận trọng vì một khi đã nghiện, khó cai thành công nếu không quyết tâm.
BS Phạm Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyên: “Tốt nhất, một người chưa nghiện rượu nên hạn chế tối đa để tránh nghiện. Hậu quả từ rượu gây ra cho bản thân là dẫn đến các bệnh về dạ dày, rối loạn tâm thần, các chứng bệnh về gan, tự gây tai nạn… Đa số BN nhập viện do rượu đều đã ảnh hưởng đến chức năng của gan. Hậu quả cho gia đình và xã hội cũng rất lớn đó là: gia đình tan vỡ, kinh tế nghèo nàn, mất an ninh trật tự xã hội, suy đồi đạo đức, mất công ăn việc làm do sức khỏe không tốt…”.
“Cái gì quá cũng không tốt!” là lời nhắc nhở rất đúng trong trường hợp uống rượu! Thế nên, dừng lại ở mức “uống cho vui” hay là uống để gây hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội cũng là “bản lĩnh” của … người trong cuộc vậy!
HƯƠNG CẦN