Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt

Cập nhật: 24-09-2011 | 00:00:00

Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước chỉ tăng 0,82% trong tháng 9. Đây là mức tăng thấp nhất của CPI trong vòng một năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đà tăng giá tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp giảm tốc khi chỉ tăng 0,28% trong tháng 9 (con số tương ứng của 2 tháng trước đó là 2,12% và 1,35%). Với quyền số khoảng 40% trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm này đã có tác động lớn đến việc kiềm chế đà tăng của chỉ số giá (tăng tổng cộng 16,63% kể từ đầu năm).

  Diễn biến lạm phát trong 9 tháng đầu năm. Số liệu: GSO

Đáng chú ý trong nhóm hàng ăn, giá thực phẩm thậm chí còn có xu hướng giảm (0,28%). Lương thực tăng 1,53% trong khi nhóm ăn uống ngoài gia đình cũng có mức tăng khoảng 0,9%.

Do tác động của sự kiện khai giảng năm học mới, chỉ số giá ở nhóm giáo dục tăng rất mạnh, lên tới 8,62% trong tháng 9. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức 12% của cùng kỳ 2010 (do tác động của việc điều chỉnh quy chế thu học phí tại thời điểm đó). Đây cũng là tác nhân gây tăng giá chính trong tháng 9

Bên cạnh bưu chính - viễn thông có xu hướng giảm khá đều trong nhiều tháng qua, giao thông là nhóm hàng thứ 2 giảm giá trong tháng này do tác động của quyết định giảm giá xăng vào cuối tháng 8. Mức giảm tại 2 nhóm này lần lượt là 0,07% và 0,24%.

Ngoài các mặt hàng nói trên, tất cả các nhóm còn lại trong rổ hàng hóa đều có xu hướng tăng nhẹ. Nhóm duy nhất tăng giá trên 1% là hàng hóa - dịch vụ khác (do có sự góp mặt của các mặt hàng trang sức, vốn chịu tác động mạnh của giá vàng).

Tuy không được tính trong rổ hàng hóa tính CPI nhưng diễn biến giá vàng và đôla Mỹ cũng rất đáng chú ý. Riêng trong tháng 9, giá vàng đã tăng 13,14%, đưa tổng mức tăng từ đầu năm lên tới gần 42%. Cùng thời gian này, giá đô la Mỹ tăng 9,67% (tăng 0,8% trong tháng 9).

Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 8, Thường trực Chính phủ cho biết sẽ phấn đấu giữ lạm phát năm nay ở mức 18%. Một số tổ chức đầu tư chính quốc tế như Credit Suisse hay ANZ cũng nhận định đỉnh lạm phát của Việt Nam đã rơi vào tháng 8 (tăng khoảng 23% so với cùng kỳ 2010). Tuy nhiên, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát năm 2011 của Việt Nam khoảng 19%. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định con số này ở mức 18,7%.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên