Lợi ích phải thuộc về cộng đồng

Cập nhật: 12-11-2011 | 00:00:00

Tài nguyên khoáng sản là lĩnh vực “màu mỡ” thu hút nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư, khai thác. Suốt nhiều năm qua, ở hầu hết các địa phương, giấy phép khai thác khoáng sản được cấp với tốc độ chóng mặt. Để có được giấy phép, nhà đầu tư tìm đủ mọi cách, thậm chí dùng tiền bạc “bôi trơn” mối quan hệ để nhanh chóng được cấp phép. Khi có giấy phép, họ mau mắn nhảy vào khai thác bừa bãi, bán kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn rồi bỏ đi, mặc kệ hậu quả. Thực sự, nếu bảo đảm đầy đủ chi phí khắc phục môi trường sau khai thác, thì việc khai thác khoáng sản sẽ giảm lãi rất nhiều. Tuy nhiên, nhà đầu tư không hề muốn bỏ ra khoản chi phí này. Khai thác thì ngày càng mở rộng trong khi quản lý lại bó hẹp ở các quy định lỏng lẻo và lạc hậu. Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhưng thực tế, nó chỉ chủ yếu mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nắm dự án.

Ở Bình Dương, tài nguyên khoáng sản không nhiều và trữ lượng ít. Khai thác khoáng sản chủ yếu là đá xây dựng, đất sét, cao lanh. Các mỏ đất đá tập trung chủ yếu ở TX.Dĩ An, Thuận An, huyện Tân Uyên. Việc khai thác khoáng sản tất nhiên đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc khai thác khoáng sản vẫn còn bát nháo, bừa bãi, thiếu quy hoạch. Cử tri liên tục phản ánh với tâm trạng bức xúc về thực trạng khai thác đất đá làm ảnh hưởng đến môi trường (khói bụi, tiếng ồn), làm đường sá mau xuống cấp, hư hỏng (vận chuyển quá tải).

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ vừa qua, đã dành riêng một ngày để bàn về vấn đề khai thác khoáng sản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được. Do đó phải hướng vào chế biến sâu, dứt khoát không xuất khẩu khoáng sản thô. Đi liền với đó, phải tính đến hiệu quả xã hội, tính đến tác động môi trường về trước mắt và lâu dài; cần cân nhắc, tính toán kỹ các lợi ích đối với mỗi dự án khai thác khoáng sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép, hoặc đang khai thác, dự án nào không bảo đảm các yêu cầu đặt ra, gây bức xúc cho người dân, không đúng quy hoạch thì  phải dừng lại ngay. Đối với các dự án cấp phép mới phải thực hiện theo quy trình xét duyệt hết sức chặt chẽ, phải nằm trong quy hoạch, phải có dự án khả thi... Chỉ đạo của Thủ tướng về thăm dò và khai thác khoáng sản là một hiệu ứng tạo ra những hy vọng.

Tài nguyên khoáng sản là không tái tạo, vì vậy phải có “của để dành” cho các thế hệ tương lai. Song song đó, một phần đáng kể lợi nhuận từ khai thác khoáng sản phải chuyển vào quỹ dự phòng, để trả cho các thế hệ sau. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là lời nguyền về sự trả giá. Sẽ không gì bù đắp được khi mối lợi khai thác khoáng sản chỉ thuộc về một số người ở hiện tại, còn mất mát vĩnh viễn lại thuộc về cả quốc gia, của nhiều thế hệ mai sau. Lợi ích của việc khai thác khoáng sản phải thuộc về cộng đồng chứ không phải của một cá nhân hay một nhóm người nào!

 

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=273
Quay lên trên