Lương tăng, mong giá đừng tăng

Cập nhật: 03-07-2017 | 08:59:00

Kể từ tháng 7-2017, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng. Mục đích của đợt tăng lương lần này là nhằm bù đắp một phần trượt giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu kể từ đợt tăng lương lần trước, góp phần cải thiện mức sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tiếp nhận thông tin lương tăng đa số mọi người nằm trong diện được tăng lương lần này đều tỏ ra vui mừng, nhưng không ít người thận trọng lại lo lắng vì sợ như trước đây, lương tăng giá cả sẽ leo thang! 

Xuất phát từ sự lo lắng “lương tăng giá sẽ leo thang”, một bạn đọc nằm trong tốp những người thận trọng trước thông tin lương tăng, cho rằng điều quan trọng là phải giữ ổn định thị trường, đừng để vật giá leo thang. Thay vì tăng lương, Nhà nước nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công hưởng lương bằng các giải pháp về nhà ở, y tế, giáo dục, đi lại... Không phải cứ lương cao là tốt, bởi vì lương cao chỉ phản ánh về mặt giá trị lao động, mà giá trị đó nếu đem đổi lấy hàng hóa, dịch vụ giá cao thì tăng lương cũng chẳng thay đổi được mức sống.

Lo lắng của bạn đọc nói trên là có cơ sở, bởi qua đối chiếu với những lần tăng lương trước đây, chất lượng cuộc sống của người được tăng lương không những không thay đổi mà có khi còn giảm do giá cả, dịch vụ đều tăng theo. Còn nhớ có lần mới nghe Nhà nước rục rịch tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức thì gói xôi, bó rau muống cũng tăng giá. Những năm gần đây, giá cả thị trường tương đối ổn định nhờ bắt đầu vận hành theo cơ chế thị trường. Tất cả hàng hóa, dịch vụ có tăng, có giảm tùy theo sức cầu của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn đó những ngành hàng, tiểu thương, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ lợi dụng việc tăng lương để “té nước theo mưa”.

Ngoài việc lợi dụng tăng lương để “té nước theo mưa”, kể từ đợt tăng lương gần đây nhất một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ đã tăng giá trước khi tăng lương lần này, đặc biệt là giá dịch vụ y tế (tăng 23,43%). Dẫu biết tất cả những người được tăng lương lần này đều nằm trong diện có bảo hiểm y tế, nhưng một khi giá dịch vụ y tế tăng thì mức đồng chi trả cũng tăng theo. Đó là chưa nói các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dù chậm, nhưng cũng tăng đều qua các năm kể từ lần tăng lương gần đây nhất. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cũng đã tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước.

Từ những phân tích nói trên cho thấy việc tăng mức lương cơ sở lần này chỉ có ý nghĩa khi giá cả được Nhà nước giữ vững ổn định. Kiềm chế giá là việc làm cần thiết mà nhiều người mong mỏi còn hơn cả việc được tăng lương. Để kiềm chế giá cả hàng hóa dịch vụ, trước tiên Nhà nước cần giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nền kinh tế do Nhà nước nắm quyền chi phối là điện và xăng dầu. Chỉ một trong hai mặt hàng điện hoặc xăng dầu tăng giá thì tất cả hàng hóa dịch vụ sẽ vin vào đó mà tăng theo. Do vậy, có thể kết luận ngắn gọn: Tăng lương phải đi kèm giữ ổn định giá. Nếu không giữ ổn định được giá thì việc tăng lương sẽ không còn ý nghĩa!

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
CPI

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên