Tầm quan trọng của kinh tế tư nhân

Cập nhật: 30-06-2017 | 08:43:25

Hôm qua (29-6), Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng đã diễn ra. Hội nghị lần này tập trung quán triệt 3 Nghị quyết, gồm: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là lần đầu tiên kinh tế tư nhân (KTTN) được Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết, thể hiện bước tiến quan trọng trong tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của KTTN. 

Không phải đến bây giờ mà từ lâu KTTN đã được nhìn nhận. Trước đó, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã chính thức công nhận khu vực KTTN với việc lần đầu tiên công nhận sự tồn tại của hai nhóm thành phần kinh tế: Các thành phần kinh tế XHCN và các thành phần kinh tế phi XHCN (gồm kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước, kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc). Nghị quyết Đại hội VII năm 1991 chia tách hai nhóm kinh tế XHCN và kinh tế phi XHCN thành 5 thành phần kinh tế, bao gồm: Kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước.

Việc khu vực kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư nhân được chính thức công nhận đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực KTTN. Nghị quyết Đại hội VIII năm 1996 tiếp tục khẳng định sự tồn tại và phát triển của khu vực KTTN bằng việc công nhận thêm thành phần tiểu chủ. Đây là sự đánh dấu bước chuẩn bị cho việc công nhận hình thức sở hữu cá nhân. Nghị quyết Đại hội IX năm 2001, nêu rõ khu vực KTTN được công nhận, bao gồm: Kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể nói, đây là nền tảng cơ bản cho sự “bùng nổ” KTTN trong những năm tiếp theo.

Qua các kỳ Đại hội Đảng, sau khi khu vực KTTN được chính thức công nhận, Văn kiện Đại hội X năm 2006 đã nhận định: KTTN là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Nghị quyết Đại hội XI năm 2011 của Đảng cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Nói về khu vực KTTN, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016, nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Khẳng định KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết về: “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đây là bước tiến quan trọng trong tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của KTTN, mở đường để KTTN tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên