“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời...”

Cập nhật: 06-08-2011 | 00:00:00

Một mùa Vu lan nữa đã và đang về. Mùa mà người ta thường gọi là múa báo hiếu, mùa mà tất cả mọi người chúng ta, từ những lãnh đạo cấp cao cho đến những anh, chị công nhân, những thường dân... đều hướng những việc làm, những tình cảm, suy nghĩ, lòng biết ơn... của mình đến các đấng sinh thành; đặc biệt là đến người mẹ yêu quý của mỗi chúng ta.

Thuở còn nhỏ, khi bắt đầu cắp sách đến trường chúng ta ai cũng được nghe thầy, cô giáo dạy: Mẹ là người mang nặng, đẻ đau sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn; mẹ là người nâng đỡ cho ta những bước chân chập chững đầu tiên; mẹ thức thâu đêm trông chừng để cho ta tròn giấc ngủ; khi ta vấp ngã, chưa cảm nhận kịp nỗi đau thì mẹ đã xuýt xoa trước” Ôi! Tội nghiệp con tôi”... Và khi ta khôn lớn, trên những nẻo đường đời mỗi lúc thành công hay thất bại, khi vui hay buồn, mẹ cũng là người mà ta nghĩ đến trước tiên để chạy về tâm sự và nghe mẹ an ủi, khuyên lơn những điều hay lẽ phải như khi ta còn bé...

Tôi có một người bạn, anh ấy đã ngoài 50 tuổi, đã có sui gia đầy đủ, vậy mà đối với mẹ anh vẫn là một cậu con trai cả bé nhỏ của ngày nào. Tuần nào anh bận việc chưa kịp về là mẹ lại điện thoại qua nhà anh vì sợ anh bệnh hoặc “sợ có chuyện gì”. Anh bảo: Mỗi tuần dù có bận công việc đến đâu anh cũng về thăm mẹ 2 lần, về để “nói chuyện này nọ với mẹ cho mẹ vui”... Nghe mà xúc động và nao lòng khi nghĩ đến có những lúc vì công việc hoặc vì gia đình riêng mình đã bỏ quên mẹ, lâu lâu mới tạt về rồi vội vã đi ngay...

Những năm 1980, khi ấy tôi còn là một phóng viên trẻ. Có lần đi công tác ở một xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Phú Giáo vô tình tôi ghé vào trước hiên một ngôi nhà tranh, vách đất định hỏi đường đến nhà anh cán bộ phụ trách văn hóa của xã. Lên tiếng 2, 3 lần mà không nghe ai trả lời chỉ nghe văng vẳng tiếng rít the thé, do trời đang mưa nên tôi đành phải bước vào trong để hỏi. Hồn vía tôi như tan biến đâu mất khi trước mắt tôi trên chiếc phản gỗ cũ kỹ là 3 thanh niên tay chân dị tật, đầy lông lá, khuôn mặt vô hồn nửa nằm, nửa ngồi... đang liên tục rít lên những tiếng giận dữ như muốn xua đuổi khách lạ. Tôi hoảng hốt và chỉ còn cách là chạy thật nhanh khỏi ngôi nhà và 3 người thanh niên kỳ lạ ấy. Sau này anh cán bộ văn hóa xã cho biết: Do người chồng nhiễm chất độc da cam nên 3 cậu con trai của họ sinh ra đều mang những di chứng của chất độc này: không nói, không đi được, gặp bất cứ cái gì để gần là cho ngay vào miệng nuốt, kể cả quần áo. Gánh nặng của gia đình ấy, kể cả người cha ốm yếu đặt lên vai bà mẹ nghèo nàn, vất vả từ ngày này qua ngày khác để lo cuộc sống cho 5 con người. Không biết cái gia đình bất hạnh đó còn ở nơi cũ hay không, nhưng cho đến hôm nay sự khủng khiếp từ hậu quả của chất độc da cam cũng như nỗi vất vả của bà mẹ ấy và nhiều bà mẹ có con nhiễm chất độc da cam mà tôi biết và gặp sau này, vẫn hằn sâu trong ký ức của tôi.

Không chỉ vậy, ở địa bàn trong và ngoài tỉnh chúng ta chắc hẳn nhiều lần đã nghe nói đến những bà mẹ tần tảo sớm hôm làm công nhân vệ sinh hoặc ăn cơm độn nhiều năm liền để tiết kiệm có tiền cho 2, 3 đứa con vào giảng đường đại học. Hay có những người mẹ mấy năm liền, dù mưa hay nắng vẫn cõng đứa con tật nguyền trên lưng của mình đến lớp học để cho con tiếp cận với tri thức... Và cây lành sinh trái ngọt, có những đứa con của những bà mẹ ấy sau này đã trở thành bác sĩ, thạc sĩ... làm rạng rỡ gia đình, dòng họ, đền đáp lại sự hy sinh vô bờ bến của các bậc sinh thành.

Chẳng có ngôn từ nào đủ để ca ngợi những người mẹ chịu thương, chịu khó, cả đời hy sinh vì chồng vì con, vậy mà đây đó vẫn còn có những đứa con tìm mọi cách để chiếm đoạt nhà đất của cha mẹ già, đánh đập, bạo hành cha mẹ hoặc chối bỏ trách nhiệm làm con khi cha mẹ già yếu, bệnh tật bằng cách gửi vào nhà dưỡng lão... Không có biển trời nào bao la bằng tình mẹ, dù mẹ có mất trí nhớ, dù trong những đứa con sinh ra mẹ có thể thương người này nhiều hơn người kia một chút, dù những lúc tất bật, lo toan cuộc sống mẹ có thể dùng đòn roi với chúng ta, nhưng không có mẹ làm sao có chúng ta trên cõi đời và tất cả những nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ cũng vì muốn chúng ta khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi, nên người... vì vậy những đứa con dù ở độ tuổi nào hãy: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời / Cầu mong cha mẹ sống đời với con”...

VÕ HƯƠNG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên