Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông

Cập nhật: 19-10-2015 | 09:19:04

Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, từ năm 2011, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, giai đoạn 2011-2015. Qua 5 năm triển khai thực hiện, năng lực, trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh được nâng lên rõ rệt.

Kiểm tra năng lực giáo viên dạy tiếng Anh vào đầu năm học mới

Đội ngũ giáo viên có yếu tố quyết định

Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng, nên ngành GD- ĐT tiến hành rà soát năng lực ngoại ngữ của giáo viên giảng dạy bộ môn này. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, việc làm này được thực hiện vào thời điểm trước khi thiết kế chương trình bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ cho giáo viên. Dựa vào kết quả khảo sát mỗi nhóm giáo viên có lộ trình bồi dưỡng riêng nhằm hướng tới đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Hàng năm, giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng dạy học. Trừ những giáo viên dạy tiếng Anh mới được tuyển dụng vào ngành trong 3 năm trở lại đây, gần 100% giáo viên dạy tiếng Anh còn lại của tỉnh được tham gia vào chương trình bồi dưỡng chuyên môn nhằm chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ của giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, THCS và THPT; hướng tới đạt chuẩn B2 đối với giáo viên dạy cấp tiểu học và THCS và chuẩn C1 đối với giáo viên cấp THPT. Nội dung bồi dưỡng, tập huấn được tập trung vào những vấn đề mà giáo viên cần khắc phục để thay đổi phương pháp dạy học nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông. Tính đến tháng 9-2015, có hơn 1/3 giáo viên dạy tiếng Anh cấp THPT đã đạt chuẩn C1 và 1/4 giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học và THCS chuẩn bị thi lấy chứng chỉ B2. Theo dự tính, mỗi năm tiếp theo có một nhóm giáo viên dạy tiếng Anh hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi lấy chứng chỉ chuẩn năng lực ngôn ngữ. Đến năm 2017, Bình Dương sẽ hoàn thành chương trình chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho giáo viên.

Đầu tư có trọng tâm

Cùng với bồi dưỡng đội ngũ, ngành còn lên kế hoạch mua sắm, sử dụng thiết bị, học liệu và đầu tư cơ sở vật chất; triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm; xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Theo đó, ngành trang bị cho các trường phòng dạy - học ngoại ngữ chuyên dụng, bảng tương tác, bộ thiết bị học ngoại ngữ và thư viện sách tiếng Anh cho các trường tiểu học, THCS và THPT.

Đối với thực hiện chương trình tiếng Anh 10 năm theo sách giáo khoa mới của bộ, ngành đang triển khai tại 4 trường THPT trên địa bàn tỉnh, nơi có giáo viên đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ và học sinh có năng lực ngoại ngữ tương đối tốt. Ngoài ra, ngành còn xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ tại 3 trường (1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT). Giáo viên dạy tiếng Anh của những trường này đã được tham gia khóa bồi dưỡng về năng lực ngôn ngữ và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc dạy và học tiếng Anh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh khá đồng bộ, do đó không có sự khác biệt lớn giữa trường điển hình và những trường còn lại.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Từ khi triển khai thực hiện đề án, được UBND tỉnh và các sở, ban ngành có liên quan tạo điều kiện giải ngân kinh phí, giúp ngành thực hiện được nhiều chương trình lớn có sức ảnh hưởng tích cực tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông của tỉnh nhà.

Bà Nguyễn Hồng Sáng cho biết, giai đoạn 2016- 2020, ngành GD-ĐT tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên để hướng đến mục tiêu đạt chuẩn. Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cần thiết phục vụ dạy học tiếng Anh có hiệu quả. Tạo môi trường sử dụng tiếng Anh trong thực tế cho giáo viên và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, qua việc khai thác thư viện sách tiếng Anh, tổ chức câu lạc bộ nói tiếng Anh và tập huấn kỹ năng tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh cho các phòng GD-ĐT. Triển khai chương trình bồi dưỡng về phương pháp dạy học cho 100% giáo viên dạy tiếng Anh ở cả ba cấp học. Việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán ở nước ngoài cũng được tính đến, nhằm tạo lực lượng tiên phong trong đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh trong trường phổ thông.

 

 A.SÁNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X