Từ nay đến năm 2030, Kiên Giang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đặt mục tiêu đón 23,7 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó du khách quốc tế là 1,7 triệu lượt người.
Du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Khẳng định vai trò ngành kinh tế chủ đạo
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đón khoảng 37 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế là hơn 2 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch hơn 66.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt hơn 6%/năm. Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, địa phương thu hút 50 dự án đầu tư du lịch. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực này, tổng vốn đầu tư là 372.484 tỷ đồng. Trong đó, 76 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 18.114 tỷ đồng; 81 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư khoảng 194.931 tỷ đồng; 160 dự án đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đảo ngọc Phú Quốc đã thu hút những nhà đầu tư uy tín, chất lượng trong và ngoài nước như: Vingroup, Sun Group, BIM Group, Mik group, CEO group. Hầu hết các dự án này đều hợp tác với các thương hiệu của các tập đoàn hàng đầu thế giới về kinh doanh quản lý khách sạn như: Sheraton, Wyndham, Pullman, Melia, A la Carte, Crowne plaza và các thương hiệu khác của tập đoàn IHG, Dusit International...
Du lịch Kiên Giang đã thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ đạo, khẳng định vị trí, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế với nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Điểm đến hấp dẫn, điểm đến mới nổi ở châu Á và thế giới, khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất châu Á, được bình chọn thuộc top 14 bãi biển đẹp nhất châu Á của Tạp chí Planet Ware. Đảo ngọc Phú Quốc được World Travel Awards trao giải “Hòn đảo có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới” năm 2022, nằm trong top 10 hòn đảo du lịch hàng đầu châu Á năm 2023 được Tạp chí Condé Nast Travele của Mỹ trao giải thưởng Readers’ Choice Awards 2023.
Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa và di sản văn hóa, bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế du lịch. Cụ thể như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Quốc gia núi Bình San và phụ cận (thành phố Hà Tiên); Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh núi Mo So (Kiên Lương); Quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh Phú Quốc; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử, thắng cảnh quốc gia Ba Hòn (Hòn Me - Hòn Đất - Hòn Quéo).
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phát triển du lịch. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, góp phần đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tại thành phố Phú Quốc, các cơ sở lưu trú phát triển nhanh, nhiều khách sạn chất lượng cao, hạng 4 - 5 sao. Tại thành phố Hà Tiên, một số cơ sở đã đầu tư một số khách sạn quy mô khá, hạng 3 sao. Huyện đảo Kiên Hải, hệ thống nhà nghỉ phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Vùng U Minh Thượng tuy chưa có khách sạn được công nhận hạng sao, nhưng hệ thống nhà nghỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu của du khách. Toàn tỉnh có 88 cơ sở kinh doanh lữ hành được cấp phép.
Ba khu du lịch cấp tỉnh là Khu Du lịch Quần đảo Nam Du, Khu Du lịch Lại Sơn, Khu Du lịch Quần đảo Hải Tặc đã phát huy được hiệu quả, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Khu tổ hợp VinWonders với Công viên nước chủ đề lớn nhất Việt Nam và Khu Bảo tồn động vật quý hiếm Vinpearl Safari, Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới An Thới - Hòn Thơm, “Thành phố không ngủ” Grand World và nhiều khu nghỉ dưỡng 5 sao... được đưa vào khai thác, trở thành điểm nhấn mới, góp phần thu hút khách du lịch.
Khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, tỉnh phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên, tính độc đáo về văn hóa, con người Kiên Giang. Địa phương hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và quốc tế. Tỉnh xây dựng phát triển thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Sản xuất thùng sọt, giỏ xách, túi xách cỏ bàng tại Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Giám đốc Sở Du lịch Bùi Quốc Thái chia sẻ, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phát triển du lịch nội địa, gắn với các hoạt động du lịch quốc tế. Dự kiến năm 2025, Kiên Giang đón khoảng 10,3 triệu lượt du khách đến tham quan với tổng thu từ du lịch hơn 21.000 tỷ đồng. Địa phương triển khai các đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cụ thể là các đề án: Cơ cấu lại ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong phát triển du lịch, tỉnh chủ động xây dựng các phương án ứng phó với các tình huống nhằm giảm thiệt hại cho ngành du lịch, đồng thời tận dụng những cơ hội đưa ra các sản phẩm du lịch mới, vươn lên thành điểm sáng du lịch của cả nước và thế giới. Địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt, khai thác các lợi thế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lăng tẩm, chùa chiền, sự kiện quốc gia, quốc tế, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và có sức cạnh tranh cao, nhằm xây dựng và giữ gìn thương hiệu du lịch Kiên Giang. Ngành nông nghiệp và du lịch phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đưa sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với chương trình phát triển du lịch của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, cùng với ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác, tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm, nhất là vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải... Địa phương tổ chức lại công tác xúc tiến du lịch, tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá; cùng với doanh nghiệp mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đây là biện pháp quan trọng từng bước tiến tới chủ động về nguồn khách và kiểm soát chất lượng dịch vụ.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang nêu rõ, tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch bền vững, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp; nghiên cứu phương pháp tính toán sự đóng góp của ngành du lịch, tăng tỷ trọng ngành trong GRDP của tỉnh. Địa phương tiếp tục đề xuất đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đa dạng các hình thức thị thực như: Thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu... bảo đảm an ninh trật tự tốt nhất cho khách du lịch đến Kiên Giang; đồng thời, xem xét, mở rộng diện miễn thị thực cho công dân các quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch. Tỉnh xây dựng và hình thành các tour, tuyến du lịch tại các vùng trọng điểm, chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, nhất là đào tạo ngoại ngữ cho người tham gia hoạt động du lịch, đào tạo cho du lịch cộng đồng...; nâng cấp hệ thống trường, doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động du lịch theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Theo TTXVN